Tình huống này khiến Vietcombank, BIDV và Agribank chỉ cho khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến. Ảnh: TL.
Vàng ơi, mở cửa ra!
Chính sách bán vàng trực tiếp đến người dân qua 4 ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã giúp thu hẹp đáng kể giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới. Từ mức gần 20 triệu đồng, hiện giá vàng trong nước thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới khoảng hơn 5 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng đã hạ nhiệt nhưng thị trường vẫn xuất hiện những hiện tượng không bình thường. Trước hết là thể hiện qua hàng dài người xếp hàng chen chúc nhưng cũng không thể mua được vàng. Trong dòng người này, nhiều tin đồn cho rằng Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng bán ra. Rồi có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch...
Tình huống này khiến Vietcombank, BIDV và Agribank chỉ cho khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến. Ngoài ra, tiếp tục có thêm nhiều giải pháp được đề xuất để bình ổn thị trường vàng như nên cho các ngân hàng giao dịch 2 chiều mua - bán vàng; đánh thuế giao dịch vàng để hạn chế các hoạt động lướt sóng đầu cơ nhằm ăn chênh lệch giá trong ngắn hạn...
Dù giải pháp thế nào, hàng dài người xếp hàng mua vàng cũng cho thấy nhu cầu mua vàng giá bình ổn thật sự rất cao. Càng không đáp ứng được nhu cầu này càng gây sức ép lên khả năng cung ứng của ngân hàng, từ nguồn cung ứng, hoạt động vận chuyển, giao nhận, thanh toán... Với triển vọng giá vàng trong trung - dài hạn vẫn có thể tiếp tục đi lên thì nhu cầu tích trữ vàng của người dân cần được đáp ứng dài hạn.
Không ít thông tin đưa ra cho thấy khả năng các doanh nghiệp sẽ được nhập khẩu vàng trở lại từ tháng 7-8/2024. Thực tế, trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, có những giai đoạn giá vàng trong nước ngang ngửa, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới và các doanh nghiệp đã xuất khẩu vàng dưới dạng trang sức, mỹ nghệ.
Nhưng 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo đường chính ngạch, khiến thị trường vàng trong nước tách biệt với thị trường vàng thế giới. Trong khi đó, theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50 tấn vàng. Nhu cầu này đã khiến cho vàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch ngày càng nhức nhối và phức tạp hơn.
Vì vậy, nếu vàng được nhập khẩu trở lại có thể bổ sung thêm nguồn cung ổn định để giúp thị trường cân bằng hơn. Theo các chuyên gia, có 2 phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường, đó là cấp hạn mức (quota) cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng, hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm các nước cho thấy ngân hàng trung ương có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết các hoạt động nhập khẩu và phân phối vàng với vai trò chính là cơ quan giám sát.
Việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch sẽ giúp triệt tiêu được vàng lậu và làm cho thị trường vàng thông suốt hơn, từ đó có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây. “Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan... về Việt Nam rất nhanh”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khẳng định.
Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đề xuất cho phép 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Đến đầu năm 2024, VGTA tiếp tục đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để phục vụ chế tác trang sức và mỹ nghệ. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch VGTA, 10 tấn vàng không phải là con số quá lớn và không gây ảnh hưởng đến tỉ giá cũng như dự trữ ngoại hối quốc gia.
Tuy nhiên, có những lo ngại về phương án hy sinh dự trữ ngoại tệ để mua vàng về bán trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, phải dành nguồn lực cho đầu tư phát triển thì chi 3 tỉ USD/năm để nhập khẩu vàng vật chất chỉ để phục vụ nhu cầu tích trữ của người dân là lãng phí. Chưa kể cơn sốt vàng vừa không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng mà do hiện tượng đầu cơ, làm giá.
Về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, lo ngại nhập khẩu vàng sẽ khiến tiền đồng càng mất giá. Do đó, Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra các chính sách mới để làm sao cho vừa giải quyết được nhu cầu vàng, vừa tránh phát sinh rủi ro về kinh tế vĩ mô.
Cũng từ Đại học Kinh tế TP.HCM, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỉ giá được giảm bớt.