Doanh số bán rượu vang cao cấp tại Việt Nam vào năm 2026 sẽ cao hơn 55% so với năm 2021. Ảnh: TL

 
Hải Đăng Thứ Năm | 12/12/2024 07:30

Vang nội tìm thời vang bóng

Các nhà sản xuất rượu vang của Việt Nam biến động mạnh trong bối cảnh kinh doanh sụt giảm khi chịu sức ép chưa từng có.

Cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Vang Thăng Long (mã VTL) tiếp tục xáo trộn trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xây dựng và Thương mại Kim Ngọc đã mua gần 2,3 triệu cổ phiếu VTL trong ngày 27/11, nâng tỉ lệ sở hữu từ 2,09% lên 24,49% vốn (gần 2,5 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn.

Vang Thăng Long, thương hiệu rượu vang có tiếng với tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long, được thành lập năm 1989, thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Vào thời điểm hoàng kim, Vang Thăng Long có lượng tiêu thụ hơn 5,3 triệu lít. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Công ty đi xuống từ năm 2019 khi bắt đầu dịch bệnh COVID-19. Trong năm này, Công ty ghi nhận doanh thu 77,9 tỉ đồng và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 12,9 tỉ đồng. Tình hình kinh doanh tiếp tục khó khăn, khiến lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 tăng lên hơn 72 tỉ đồng.

 

Ladofoods, công ty sở hữu thương hiệu Vang Đà Lạt, cũng gặp khó khăn dẫn đến thay đổi chủ sở hữu. Hiện Megram nắm 51% vốn Ladofoods, tiếp đến là Vilico với 38,3%. Tại Đại hội cổ đông năm 2023, lãnh đạo Công ty thông qua kế hoạch với số liệu không khả quan khi doanh thu đạt 212,3 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 9,3 tỉ đồng. Đây là con số không thể lường trước, khi ở giai đoạn thuận lợi Công ty chiếm hơn 60% thị phần vang sản xuất trong nước với hơn 30.000 điểm bán hàng trên cả nước, xuất khẩu đi nhiều thị trường Á, Âu, Mỹ...

Các thương hiệu vang nội địa gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, cùng với sự cạnh tranh quyết liệt của vang nhập khẩu. Ngoài ra, theo báo cáo phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường VIRAC, thị trường rượu vang còn có nhiều ảnh hưởng do tác động của Nghị định 100 (xử lý nồng độ cồn khi tham gia giao thông), giá nguyên liệu sản xuất thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành rượu, bia. “Sức tiêu thụ rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn của nền kinh tế mà còn là xu hướng tất yếu trong tương lai”, báo cáo của VIRAC nêu rõ.

Trong khi đó, Việt Nam từng được biết là thị trường vang lớn thứ 4 tại Đông Nam Á. Việt Nam có hơn 15 doanh nghiệp sản xuất và đóng chai rượu vang với sản lượng mỗi năm tăng khoảng 12-13 triệu lít. Theo StrategyHelix Group, quy mô thị trường vang tại Việt Nam dự kiến cán mốc 382,2 triệu USD trong giai đoạn 2024-2029, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 11,5%. Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam thúc đẩy sức mua cao hơn và nhu cầu lớn hơn đối với rượu vang cao cấp và nhập khẩu.

 

Tuy nhiên, theo VIRAC, thị phần của các doanh nghiệp vang nội địa như Vĩnh Tiến, Thăng Long, Ladofoods, Dalat Beco... ngày càng giảm, nhường chỗ cho các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và Việt Nam đang nhập siêu rượu vang. Chỉ riêng năm 2023 Việt Nam nhập hơn 7,6 triệu USD rượu vang từ Úc, tăng 152,8% so với năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch).

Theo Tổ chức Nho và Rượu vang Quốc tế (OIV), nhu cầu rượu vang toàn cầu trong năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996, tác động đến người tiêu dùng vốn đang đối mặt với tình trạng sức mua thấp hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều hội chợ rượu vang từ Ý, Tây Ban Nha, Úc, Chile, Pháp... tìm đến Việt Nam như một thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Trong một sự kiện quảng bá rượu vang Tây Ban Nha, ông Miguel Ángel Valverde Menchero, Chủ tịch Hội chợ Rượu vang Tây Ban Nha (FENAVIN 2025), cho biết, với sự phong phú trong các dòng vang, cũng như giá cả cạnh tranh, vang Tây Ban Nha tự tin có thể chinh phục thị trường Việt Nam.

Áp lực ngày càng gia tăng khi tình trạng dư thừa khiến cuộc cạnh tranh về giá tiếp tục gay gắt hơn trên thị trường thế giới. Xu hướng này gây sức ép cho sản phẩm chủ lực của vang Việt Nam ở phân khúc giá trung bình, thấp. Những lo ngại về sức khỏe khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới uống ít rượu hơn và chỉ chọn rượu đắt tiền. Báo cáo của Hiệp hội Whisky Scotland dự đoán doanh số bán rượu vang cao cấp tại Việt Nam vào năm 2026 sẽ cao hơn 55% so với năm 2021, trong khi mức tăng doanh số cho các sản phẩm ở nhóm tiêu chuẩn trở xuống chỉ là 45% trong cùng thời kỳ.

Chưa kể, trong bối cảnh này, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang đưa ra các phương án sửa đổi điều chỉnh theo hướng tăng mức thuế suất và thu hẹp lộ trình tăng thuế khiến các doanh nghiệp trong ngành càng thêm khó khăn.

Dù vậy, vẫn có những tín hiệu khả quan cho các nhà làm vang nội. VIRAC ước tính chi tiêu cho rượu mạnh bình quân trên đầu người sẽ tăng khi nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tầng lớp trung lưu dự kiến tăng lên 36 triệu người vào năm 2030, mang đến nhiều khả năng hơn để tăng mức tiêu thụ rượu vang. Theo ông Rodolphe Lameyse, Giám đốc Điều hành của Vinexposium, với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng lên, người Việt Nam rất nhạy bén với các xu hướng truyền thông xã hội và sẵn sàng thử nhiều loại đồ uống với hương vị mới.

Vì vậy, các chuyên gia trong ngành rượu đánh giá, đây là cơ hội để các nhà sản xuất vang nội địa như Vang Thăng Long, Ladofoods có thể chuyển mình nếu nắm bắt được xu hướng về lợi ích sức khỏe và cao cấp hóa các sản phẩm rượu vang, cùng với sự đổi mới hương vị và mạng lưới phân phối tiên tiến hơn. Vang Đà Lạt đang cơ cấu lại sản phẩm khi dịch chuyển tăng tỉ trọng các dòng sản phẩm trung cấp, cao cấp, bổ sung các loại nước ép. Công ty khai trương hầm vang Đà Lạt theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, kỳ vọng kích thích du lịch Đà Lạt và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh rượu vang... 

Lãnh đạo Vang Thăng Long cho biết sẽ mở rộng mạng lưới nhà phân phối, xây dựng lại giá bán hàng hóa cho các kênh trọng điểm, tập trung vào một số nhãn như Vang Thăng Long hay Vang Chile. Ngoài ra, Công ty thay đổi bao bì, nhãn mác sản phẩm để đáp ứng thị hiếu, tăng bán hàng trên kênh trực tuyến. 

Có thể bạn quan tâm 

Chuỗi nhà hàng lên menu lợi nhuận