Thứ Tư | 23/01/2013 16:26

Vàng miếng không có giá niêm yết sẽ bị giảm giá trị khi làm tài sản bảo đảm

Vàng có giá niêm yết được tính tỷ lệ khấu trừ khi làm tài sản đảm bảo là 95% thì vàng không có giá niêm yết chỉ được tính là 30%.
Ngày 21/1/2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 493 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 22/4/2005 về phân lợi nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng và Quyết định 18 ban hành ngày 25/4/2007 về sửa đổi, bổ sung Quyết định 493.

Bên cạnh việc phân loại lại các khoản nợ vào các nhóm, Thông tư cũng cho hay nếu qua thanh tra, giám sát và thông tin tín dụng phát hiện thấy việc trích lập dự phòng không đúng, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá, phân loại lại các khoản nợ cụ thể và trích lập dự phòng đầy đủ, phù hợp với mức độ rủi ro của các khoản nợ đó.

Tổng số tiền dự phòng cụ thể phải trích của từng khách hàng được tính bằng số dư nợ gốc trừ đi giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo và nhân với tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể (theo quy định là có 5 mức tương ứng với 5 nhóm nợ : 0%, 5%, 20%, 50% và 100%).

Như vậy, nếu mức khấu trừ của tài sản đảm bảo càng lớn thì số tiền phải trích dự phòng sẽ giảm đi, do các tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản đảm bảo này thay cho dự phòng khi khách hàng không trả được nợ.

Song, để đảm bảo tính thanh khoản và giá trị của tài sản đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tài sản đảm bảo để khấu trừ khi tính dự phòng phải đảm bảo các điều kiện như: Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết.

Thời gian xử lý tài sản bảo đảm dự kiến không quá 1 năm với tài sản bảo đảm không phải là bất động sản và không quá 2 năm với tài sản là bất động sản.

Tài sản đảm bảo có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của khách hàng là người có liên quan của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng. Ngoài trường hợp này, tài sản đảm bảo phải có giá trị trên 200 tỷ đồng.

Giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm sẽ được xác định bằng tích số giữa giá trị của tài sản bảo đảm với tỷ lệ khấu trừ với từng loại. Theo đó, nếu tỷ lệ khấu trừ càng lớn thì giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm càng cao và ngược lại.

Tỷ lệ khấu trừ tối đa với tài sản đảm bảo
Tỷ lệ khấu trừ tối đa với tài sản đảm bảo
Nguồn: Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước

Đặc biệt, có sự thay đổi ở quy định mới là trước đây, tài sản bảo đảm là vàng sẽ được tính mức khấu trừ là 95%. Tuy nhiên, với quy định mới, chỉ có vàng có giá niêm yết của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất thì mới được tính mức khấu trừ như trên, còn các loại vàng không có giá niêm yết chỉ được tính mức khấu trừ là 30%. Bên cạnh đó, các thẻ tiết kiệm khi được dùng làm tài sản bảo đảm cũng được tính mức khấu trừ.

Ngoài ra, các loại chứng khoán không đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán cũng chỉ được áp tỷ lệ khấu trừ là 30%.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập Hội đồng xử lý rủi ro. Hội đồng này sẽ bao gồm 1 thành viên là thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên làm Chủ tịch; 1 thành viên là thành viên của Ủy ban quản lý rủi ro; 1 thành viên là Tổng giám đốc (Giám đốc) và tối thiểu 2 thành viên khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quyết định.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro gồm Tổng giám đốc (Giám đốc) làm chủ tịch và tối thiểu 2 thành viên khác do Tổng giám đốc (Giám đốc) quyết định.

Thông tư 02 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/6/2013. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro kể từ ngày 1/1/2014.

Nguồn Khampha


Sự kiện