Vàng lậu nóng trở lại
Lãi 150 triệu đồng/kg vàng lậu
Từ đầu năm đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn được duy trì ở mức 4 - 5 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm là cuối tuần qua, giá vàng SJC bán ra được niêm yết ở mức 34,95 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,7 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch giá vàng phi lý như hiện nay, Việt Nam được coi là quốc gia có giá vàng đắt nhất thế giới.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng khẳng định, chênh lệch giá vàng 400.000 đồng/lượng là phù hợp. Sau đó, con số được coi là phù hợp này được người đứng đầu NHNN đưa lên mức 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến nay, chênh lệch đã lên trên 5 triệu đồng/lượng. Khi thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông, chịu thiệt thòi đầu tiên là người dân mua vàng. Hơn nữa, chênh lệch giá vàng còn gây nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ vàng lậu tuồn vào Việt Nam”.
Tuần qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC 47), Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ một vụ buôn lậu 15 kg vàng qua biên giới, trị giá 16 tỷ đồng. Hai đối tượng buôn lậu khai nhận đã sang tỉnh Oudomxay (Lào) để mua vàng về bán kiếm lời.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2014, Công an TP. Đà Nẵng cũng bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối, trị giá 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác điều tra đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia…
Dù số vụ buôn lậu vàng được phát hiện chưa nhiều, song chính các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, tình trạng buôn lậu vàng trên thực tế cao hơn gấp nhiều lần con số được phát hiện.
Một minh chứng cho dòng chảy vàng lậu vẫn âm thầm diễn ra là, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Mấy năm gần đây, NHNN không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.
Theo tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, cho dù vàng lậu không chui được vào máy dập vàng SJC, song buôn lậu vàng vẫn siêu lợi nhuận. Cụ thể, trên thị trường, có một số thương hiệu vàng nhẫn được bán với giá ngang ngửa vàng SJC, có nghĩa với mức chênh lệch giá hiện nay, mỗi ki-lô-gam vàng lậu có thể mang lại mức lãi 150 triệu đồng.
Có hiện tượng lợi ích nhóm?
Khi vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền quốc gia, cả lãnh đạo NHNN và các chuyên gia đều dự báo, chênh lệch giá vàng sẽ giảm. Song thực tế, sự độc quyền này đã khiến giá vàng SJC luôn bị neo ở mức giá cao, ngay cả khi giá vàng thế giới giảm mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đặt câu hỏi: “Không hiểu tại sao NHNN lại để tình trạng chênh lệch giá vàng cao phi lý tồn tại trong một thời gian dài như vậy, khiến giới đầu nậu, buôn lậu vàng tăng cao. Phải chăng có lợi ích nhóm ở đây?”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách quản lý vàng của NHNN đã có một số kết quả nhất định, song việc để chênh lệch giá vàng cao phi lý suốt 2 năm vừa qua là bất hợp lý. “Tôi cho rằng, việc cơ quan quản lý im lặng khi chênh lệch giá vàng cao như hiện nay cho thấy có hiện tượng bảo vệ lợi ích nhóm”, một chuyên gia nhận định.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, để giảm thiểu buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, cần thu hẹp chênh lệch giá vàng xuống khoảng 1 triệu đồng/lượng. Và để làm được điều này, Chính phủ nên xem xét việc thành lập sàn vàng quốc gia.
Một giải pháp nữa để hạn chế vàng lậu, theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, là NHNN nên cho phép các DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu từ nước ngoài, thay vì mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Trước đề xuất của các DN, năm 2013, NHNN cho biết đang tổng hợp, rà soát hồ sơ của DN để xem xét cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có DN nào nhận được giấy phép nhập khẩu.
Nguồn Báo Đầu tư