Quý Hòa
Vàng được coi là một loại ngoại tệ
Đây là một trong những nội dung được trong Thông tư 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN.
Thông tư này còn điều chỉnh tên của một số Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng, như: Tài khoản 20 – “Cho vay các tổ chức tín dụng khác” thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”; Tài khoản 275 – “Cho vay khác” thành “Cấp tín dụng khác”; Tài khoản 41 – “Các khoản nợ các tổ chức tín dụng khác” thành “Các khoản nợ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác”…
Theo thông tư này, từ ngày thông tư có hiệu lực (1/4/2018), vàng sẽ được coi là một loại ngoại tệ.
Vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ, đơn vị là “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ.
Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ hoặc vàng là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
Các khoản thu nhập, chi phí bằng ngoại tệ được chuyển đổi ra đồng Việt Nam thông qua tài khoản mua bán ngoại tệ để hạch toán vào tài khoản thu nhập, chi phí bằng đồng Việt Nam.