Thứ Ba | 06/11/2012 06:09

Vàng dự trữ tại New York của Đức đã biến mất?

Ngân hàng liên bang Đức Bundesbank đang phải chịu áp lực minh bạch hóa thông tin dự trữ vàng vì nghi ngại rằng số vàng dự trữ này đã biến mất.
Hàng chục năm nay, hơn một nửa số vàng dự trữ của Đức được cất giữ bên dưới ngân hàng Dự trữ quốc gia của Mỹ ở New York. Giờ đây, trước cuộc khủng hoảng đồng euro, các chính trị gia Đức đang đòi ngân hàng liên bang Đức Bundesbank minh bạch hơn về thông tin dự trữ vàng vì nghi ngại rằng số vàng này đã biến mất từ lâu.

Có 82.000 thỏi vàng được cất giữ dưới hầm vàng ở trụ sở của ngân hàng liên bang Đức Bundesbank đặt tại Frankfurt. Ngoài số vàng ở đây, nước Đức có hàng vạn thỏi vàng khác được cất giữ ở Anh, Pháp, và Mỹ. Theo Bundesbank, số vàng mà nước Đức gửi ở New York là 1.536 tấn, được cất trong một kho chứa có năm tầng ngầm cách mặt đường Liberty khoảng 25m.

Kho vàng Đức trong lòng đất Mỹ

Dự trữ đến 3.600 tấn vàng, Đức là nước sở hữu vàng nhiều thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Hầu hết số vàng của Đức được tích luỹ theo hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods, mà đồng USD được xem như là tiền tệ then chốt để chuyển đổi trực tiếp.

Phần lớn vàng của Đức ở Mỹ có từ trước năm 1971, khi mà một phần các thặng dư của “nền kinh tế Đức thần kỳ” luôn được dùng để mua lại những thỏi vàng của ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FRB).

Đến năm 1971, chủ tịch Bundesbank đương thời, ông Karl Blessing, đã cam kết với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rằng sẽ không chuyển dự trữ USD thành vàng vì điều này làm giảm giá trị đồng USD. Sau này, Đức tiếp tục cất giữ số vàng như một cách đề phòng rủi ro, và các đề xuất sử dụng số vàng dự trữ luôn bị bác bỏ.

Một điều khác khiến dư luận Đức lo lắng là việc người Đức bị giới hạn việc xem và kiểm tra số vàng mà họ gửi ở Mỹ. Fed giải thích việc giới hạn là vì “lý do an ninh và các thủ tục quản lý”. Các đề nghị từ phía Đức chỉ được đáp ứng một phần vào năm 2007, khi quan chức của Bundesbank được phép đi thăm hệ thống kho chứa vàng, nhưng cũng chỉ được đặt chân đến gian chuyển tiếp mà nhìn vào các gian chứa vàng.

Vàng còn hay mất

Gần đây nhất là đề xuất của các nước thành viên khối đồng tiên chung châu Âu (eurozone) về việc sử dụng vàng dự trữ như một khoản ký quỹ cho trái phiếu bị Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ. Sự thiếu thông tin về các báo cáo dự trữ vàng từ Bundesbank và việc Chính phủ Đức luôn bác các đề xuất bán vàng dự trữ đã làm chính các chính trị gia Đức lo lắng, và rồi nhiều nghi vấn và đồn đại đã được đặt ra.

Chuyên gia tài chính của đảng Xanh, Gerhard Schick, phát biểu: “Tôi nghĩ thắc mắc về sự tồn tại của số lượng vàng này có thực hay không là một lo lắng chính đáng”. Trong khi đó, chính trị gia Peter Gauweiler của đảng Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) tổ chức cả một cuộc vận động yêu cầu Bundesbank công khai các báo cáo về dự trữ vàng. Lời đồn cho rằng nhiều thập niên qua kho vàng của Đức ở Mỹ đã biến mất từ lâu. Những người khác tin rằng số vàng này đã bị đem cho vay và chỉ có một số ít vàng được đưa trở về cất kho dự trữ ở New York trước khi đoàn kiểm toán đến.

Việc cất giữ vàng ở nước ngoài được Bundesbank giải thích là một cách quản lý dự phòng. Trong những tình huống khẩn cấp khi đồng tiền sụp đổ, những thỏi vàng được cất ở nước ngoài có thể nhanh chóng được bán để lấy về USD hay đồng bảng Anh để thanh toán các khoản khẩn cấp. Trong một nỗ lực làm giảm các tranh cãi về dự trữ vàng, Bundesbank đã cam kết sẽ đưa về nước và kiểm tra khoảng 150 tấn vàng trong ba năm tới.

Ngoài ra, Bundesbank cũng đã có kế hoạch cân tất cả những thỏi vàng đang chứa trong chín hầm dự trữ ở New York, nhưng ngày triển khai kế hoạch này vẫn chưa được xác định.

Như vậy đã rõ, khi nào đồng euro lâm nguy, thì khi đó 1.536 tấn vàng ở New York mới được đem bán. Việc đưa vàng về Đức là không thể thực hiện, cả về mặt vận tải, vì chi phí vận chuyển là quá lớn.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị


Sự kiện