Vắng dự án lớn, FDI quý 1 giảm mạnh
Trong quý Inăm nay, cả nướcchỉthu hútđượchơn 3,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảmtới một nửaso vớicùng kỳnăm ngoái. Nguyên nhân là do vắng các dự án lớn.
Việc thu hút vốn FDI giảm mạnh liệu có đáng lo ngại? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về vấn đề này.
** Thu hút vốn FDI trong cả quý 1 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, theo ông điều này có đáng lo ngại?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Thu hút FDI của 2014 giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm, so với năm trước giảm khá nhiều, nhưng chưa thể đánh giá cho xu hướng của cả năm.
Nhìn vào lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam tham gia TPP để đón đầu các cơ hội, tôi cho rằng năm 2014 FDI sẽ có khởi sắc. Nên nhìn dài hơn và lạc quan hơn.
Thời gian qua có 1 số điểm sáng như ngoài hiện tượng Samsung, với vốn đăng ký 5,7 tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên. Tôi được biết sắp tới, Samsung làm tiếp thiết bị gia dụng điện tử ở phía Nam.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang chuẩn bị tiếp nhận một dự án của Samsung làm Trung tâm Nghiên cứu triển khai, thu hút khoảng 100 kỹ sư giỏi.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Samsung sẽ xây dựng công nghệ cơ bản ở Việt Nam, có trung tâm nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ điện tử.
** Thời gian qua, Hàn Quốc, Nhật Bản… thường dẫn đầu về vốn FDI tại Việt Nam, trong khi số lượng các nhà đầu tư lớn từ Mỹ, EU… thì vẫn còn thấp so với tiềm năng.Vì sao chúng ra chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ các khu vực này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Với Mỹ và EU, quan hệ đầu tư còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Mỹ là nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới và cũng là nước đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới nhưng các nhà đầu tư của Mỹ vào Việt Nam lại thấp so với tiềm năng.
EU cũng đầu tư ra nước ngoài rất lớn, công nghệ của họ rất tốt, thân thiện môi trường, là mẫu mực mà ta cần học tập, nhưng đầu tư vào Việt Nam còn ít. Có nhiều vấn đề nhưng quan trọng là môi trường đầu tư của ta chưa thích ứng được với những nước như vậy. Chẳng hạn như tính minh bạch, sở hữu trí tuệ, tham nhũng… ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư. Hiện Việt Nam đang cải tiến mạnh môi trường đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, làm cổ phần hoá triệt để và nhanh hơn. Đó là tín hiệu tích cực để nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia cộng đồng Asean, TPP sẽ thu hút vốn FDI tốt hơn.
** Nhiều ý kiến cho rằng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo. Vậy chúng ta cần làm gì để kết nối được 2 khu vực doanh nghiệp này nhằm tạo sức lan tỏa tích cực với nền kinh tế?
Ông Nguyễn Văn Toàn:Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung cấp linh phụ kiện, nguyên vật liệu hết sức đơn giản, tối thiểu. Đó là một bất cập. Theo khảo sát của chúng tôi, các doanh nghiệp nước ngoài rất muốn có công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, vì nếu đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, sản lượng cho họ, chắc chắn sẽ rẻ hơn là đem 1 doanh nghiệp từ nước ngoài vào. Trước đây khi chúng tôi làm với Nhật Bản, khi họ vào Việt Nam tìm doanh nghiệp cung cấp giá đỡ, đóng gói sản phẩm thôi, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải làm đi làm lại mới đáp ứng được.
Vấn đề là ở chúng ta, doanh nghiệp là 1 phần nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất quan trọng, phải có chính sách ưu tiên và đột phá. Thậm chí doanh nghiệp Nhà nước cũng nên tham gia vào quá trình đó, chứ không chỉ làm những cái to lớn như điện khí, năng lượng… còn những cái nhỏ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, lại không làm.
Nếu ta mãi mãi chỉ là nước cung cấp nhân công giá rẻ, làm lắp ráp thì giá trị gia tăng không được bao nhiêu và năng lực của lao động cũng không lên được mấy, ta cũng không có công nghệ gì đáng kể của ta. Năm 2014 cần có đột phá về công nghiệp phụ trợ để những năm tiếp theo phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam chứ không chỉ thu hút ở nước ngoài.
** Vâng, xin cảm ơn ông!./.
Nguồn vov.vn