
Ảnh: Getty Images
Vàng, dầu và hàng hóa toàn cầu giảm giá mạnh
Sáng ngày 8/4, giá vàng trên thị trường thế giới mất hơn 2%, do dòng vốn chuyển hướng sang USD – nơi trú ẩn an toàn mới. Giá vàng giao ngay lùi về 2.963,19 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6 còn 2.973,60 USD. So với mức cao nhất mọi thời đại của tuần trước thì giá vàng hiện đã giảm 6%.
Trong nước, giá vàng miếng tại công ty SJC ở mức 96,5 - 99,5 triệu đồng/lượng, tương ứng giảm 600.000 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 3 triệu đồng. Giá nhẫn trơn tại PNJ và DOJI sáng nay niêm yết ở mức 96,5 - 99,5 triệu đồng/lượng.
![]() |
Giá vàng hiện chịu áp lực bởi đà thanh lý vị thế trên thị trường tương lai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, chỉ số USD tăng và giá dầu thô sụt giảm. Chỉ số đồng USD Mỹ (DXY) tăng vững chắc trong phiên hôm qua, phục hồi từ mức thấp nhất 6 tháng của tuần trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 15,8 điểm cơ bản lên 4,13%. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên, hiện ở mức 24.886 đồng.
Giá dầu thế giới vừa rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm do lo ngại các mức thuế thương mại mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Dầu Brent giảm 2,1% còn 64,21 USD/thùng, trong khi WTI giảm xuống 60,70 USD/thùng. Các tổ chức lớn như Goldman Sachs, JPMorgan hay Citi đều đồng loạt hạ dự báo kinh tế và giá dầu sắp tới.
Không chỉ vàng và dầu, các mặt hàng kim loại và nông sản cũng chứng kiến biến động mạnh. Giá đồng tại London giảm về mức thấp nhất trong 16 tháng, quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore cùng lao dốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Giá cao su Nhật rớt hơn 8%, mức giảm ngày lớn nhất từ 2020.
Cà phê Robusta giảm mạnh 6,4% còn 4.800 USD/tấn do lo ngại về thuế quan với Indonesia và Brazil. Trong khi đó, đậu tương, ngô và lúa mì bật tăng nhẹ do ảnh hưởng thời tiết và kỳ vọng nguồn cung thắt chặt hơn.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp thuế 25% đối với một loạt hàng hóa của Mỹ vào ngày 7-4 để đáp trả chính sách thuế quan của ông Donald Trump đối với thép và nhôm. Theo đó, đồng EUR đã tăng tới 0,7%, đạt mức 1,1050 USD vào đầu phiên, sau đó giảm 0,35%, xuống mức 1,092800 USD.
Trong khi đó, đồng bảng Anh đã chạm mức thấp nhất trong một tháng ở mức 1,27125 USD và chốt phiên giao dịch giảm 1,3% so với đồng bạc xanh.
Đồng AUD và NZD nhạy cảm với rủi ro, cũng như đồng crown Thụy Điển và Na Uy, đều giảm so với đồng USD. Theo đó, đồng AUD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào đầu phiên, nhưng sau đó đã thu hẹp mức giảm còn 1,025%, xuống mức 0,59835,7 USD; trong khi đồng NZD giảm 1,08% xuống mức 0,55355 USD, sau khi đã giảm hơn 1% vào đầu phiên.
Hơn 50 quốc gia đã tiếp cận Nhà Trắng để bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại.
Các nhà giao dịch đã tăng cường đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn trong năm nay với quan điểm cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải nới lỏng mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, thị trường đang đặt cược khoảng 65% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5 với mức cắt giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản tính đến tháng 12 năm nay.
Nguồn VTV