Thứ Ba | 07/05/2013 14:13

Vàng đang trở thành công cụ điều tiết vốn của NHNN?

Gần 15 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước chào bán qua đấu thầu. Tính toán tương đối, đã có trên dưới 15.000 tỷ đồng được hút về.
Chuyển tiếp từ năm 2012, đầu 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dồn dập mua vào ngoại tệ. Khoảng 5 tỷ USD mua ròng chỉ trong thời gian ngắn. Cân đối mua vào - bán ra, tính chung quý I/2013 NHNN mua được 3,18 tỷ USD, tương đương với khoảng 66.000 tỷ đồng đưa ra đối ứng.

Hoạt động trên là một trong những yếu tố chính góp phần giải thích cho tổng phương tiện thanh toán tiếp tục giữ nhịp độ tăng khá đều. Theo tìm hiểu, tính đến ngày 29/4, tổng phương tiện thanh đã tăng khoảng 4,8% so với cuối năm 2012.

Một nguồn vốn VND lớn đưa ra mua ngoại tệ, NHNN cần trung hòa tác động, nhất là gắn với yêu cầu tránh gây áp lực đối với lạm phát.

Có những công cụ và nghiệp vụ khác nhau. Nửa cuối 2012 và trong quý I/2013, cơ quan này liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền về. Nhưng từ tháng 4 đến nay, tình hình đã khác.

Ngày 28/3, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, tín phiếu đã không còn được trọng dụng, mà Ngân hàng Nhà nước đã dùng một công cụ khác là vàng để hút vốn. Khoảng 15.000 tỷ đồng nói trên qua đấu thầu vàng là quy mô hút về đáng kể.

Lần đầu tiên trong vài thập kỷ qua, vàng trở thành một “công cụ” để nhà điều hành điều tiết nguồn vốn, dù họ chưa từng đề cập đến khía cạnh này trong các thông tin công bố.

Dự tính, trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu, quy mô vàng bán ra sẽ tiếp tục tăng lên. Tổng lượng có thể là 20 tấn, ước chừng khoảng 20.000 tỷ đồng được hút về. Nếu quy mô lớn hơn, tác động sẽ càng được chú ý.

Theo ước tính của nguồn tin có thẩm quyền, lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế hiện khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng mỗi ngày. Vậy nên, giả sử bán ra 20 tấn vàng, mức độ hút vốn vàng là rất lớn.

Thậm chí theo tìm hiểu, trong kế hoạch bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước có thể được đấu thầu với quy mô còn lớn hơn nữa, dĩ nhiên là phải căn theo các giới hạn trong cơ cấu dự trữ ngoại hối và phải được Chính phủ chấp thuận.

Nếu bán ra hơn 20 tấn, hay một lượng quy đổi lớn hơn quy mô vốn dư thừa nói trên, tác động đến lãi suất VND là khả năng cần được tính đến. Với lượng vốn lớn bị hút về, VND khan đi và có giá, lãi suất hấp dẫn hơn, cân nhắc lợi ích nắm giữ, người dân có thể tăng bán vàng lấy tiền đồng. Nhưng nếu vậy vàng có tạo nên hiện tượng chèn lấn đối với kỳ vọng hạ lãi suất đang có trên thị trường?

Hẳn NHNN đã tính đến các khả năng để cân đối quy mô đấu thầu, cũng như sử dụng các công cụ khác để chủ động và gián tiếp điều tiết các tác động đến lãi suất.

Còn hiện tại, thanh khoản hệ thống khá tốt đang hậu thuẫn cho hoạt động đấu thầu vàng. Hay cơ hội để tiếp tục tăng cung cho thị trường vàng đang có, trước khi tín dụng dự tính sẽ tăng mạnh hơn từ cuối quý II (đã có xu hướng cải thiện rõ hơn trong tháng 4 vừa qua).

Theo đó, ở hoạt động điều tiết chung, trước mắt, vàng sẽ vẫn là “viên phấn” để Ngân hàng Nhà nước thấm vốn dư thừa.

Một điểm được chú ý là, nếu dùng tín phiếu để hút tiền về, cơ quan này phải trả một khoản chi phí là lãi suất (khoảng 4 - 6%/năm tùy kỳ hạn phổ biến trước đó); còn dùng vàng, không những không mất chi phí mà còn thu được hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch giá cho ngân sách qua đấu thầu.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện