Chủ Nhật | 26/08/2012 11:14

Vàng có vai trò gì trong việc kiềm chế khủng hoảng nợ eurozone?

Dự trữ vàng của eurozone hiện lên tới 10.000 tấn. Số vàng này sẽ giúp eurozone vượt qua khó khăn đang phải đối mặt như thế nào?
Các chính trị gia tiếp tục tìm kiếm những giải pháp lâu dài và toàn diện khi khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng, tuy nhiên, một câu hỏi then chốt đặt ra: Làm thế nào để các quốc gia vừa tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” vừa đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trả hết nợ nần?

Rất nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được đặt ra, và một trong số đó là tập trung vào việc làm thế nào để rút được nhiều vàng nhất từ kho dự trữ của các ngân hàng trung ương châu Âu.

Dự trữ vàng của eurozone hiện lên tới 10.000 tấn, trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của khủng hoảng bao gồm Bồ Đào Nha và Italia chiếm phần đáng kể trong số tài sản này. Đặc tính bảo tồn giá trị đặc trưng của vàng đã hỗ trợ các quốc gia này nhiều năm qua.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là số vàng dự trữ này đóng vai trò như thế nào để giúp eurozone và từng quốc gia trong eurozone vượt qua khó khăn đang phải đối mặt?

Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng bán toàn bộ số vàng dự trữ không phải là câu trả lời. Lý do là mức độ nợ nần của eurozone hiện đã vượt xa giá trị của lượng dự trữ vàng này.

Lượng vàng nắm giữ bởi các quốc gia nợ nần nhiều nhất eurozone (bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland và Italia) chỉ chiếm 3,3% tổng dư nợ của các chính phủ trung ương. Nếu bán hết lượng vàng dự trữ này thậm chí còn không đủ để trả chi phí vay trong 1 năm.

Ngoài ra, việc bán vàng còn là việc làm bị cấm bởi luật pháp châu Âu. Các quy định trong Hiệp định Vàng Ngân hàng trung ương cấm bán vàng để bảo tồn giá trị dự trữ của Tây Âu.

Vậy, nếu bán vàng không phải và cách giải quyết, lượng vàng dự trữ này cần được sử dụng như thế nào để trở thành một giải pháp toàn diện cho khủng hoảng nợ hiện nay?

Câu trả lời nằm trong vấn đề chi phí vay không ổn định của các nước eurozone. Trong suốt cuộc khủng hoảng, chi phí vay nợ của Bồ Đào Nha lên cao nhất kể từ khi eurozone thành lập, lợi suất trái phiếu 5 năm lên tới 20%, lợi suất trái phiếu 10 năm lên 16%. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Italia lên 7%, cho thấy chi phí vay đã vượt tầm kiểm soát của chính phủ.

Cả hai quốc gia này, đặc biệt là Italia, đều có lượng vàng dự trữ đáng kể. Chỉ cần sử dụng một phần trong số vàng này làm tài sản thế chấp có thể giảm đáng kể tỷ lệ lãi suất mà ở đó, mỗi quốc gia này có thể phát hành nợ.

Việc này không chỉ giúp các chính phủ giảm chi phí vay mà còn cho phép họ lấy lại “sự tự tin” trên thị trường trái phiếu, đồng thời thực thi những hình thức cải cách hoặc các chiến lược tăng trưởng.

Sử dụng vàng làm thế chấp là một trong những hình thức lâu đời nhất, được các cá nhân và tổ chức áp dụng nhiều thế kỷ nay. Đối với các quốc gia xây dựng được kho dự trữ vàng tương đối lớn và ổn định nhiều năm qua, đây được cho là thời điểm để khai thác lợi ích mà nó mang lại.

Trong lịch sử, vàng đã từng được các quốc gia sử dụng nhiều lần vào mục đích này. Chẳng hạn như vào năm 1974, Italia nhận được gói cứu trợ 2 tỷ USD từ Bundesbank khi nước này dùng vàng làm thế chấp. Năm 1991, Ấn Độ đã sử dụng vàng làm thế chấp để vay từ ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và các ngân hàng khác. Trong khoảng từ 1975-1977, Bồ Đào Nha cũng đem vàng dự trữ làm thế chấp để vay khoảng 1 tỷ USD từ BIS, Bundesbank và Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ.

Không có rủi ro tín dụng là đặc trưng khiến vàng trở thành tài sản lý tưởng cho các khoản thế chấp. Khu vực tư nhân đang sử dụng vàng ngày càng nhiều vào mục đích này. Các trung tâm thanh toán bù trừ trên toàn cầu cũng đang bắt đầu chấp nhận vàng làm thế chấp để thanh toán các hợp đồng kỳ hạn.

Tuy nhiên, cũng như nhiều giải pháp khác đưa ra để kiềm chế khủng hoảng nợ eurozone, còn rất nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết khi áp dụng hình thức trái phiếu bảo đảm bằng vàng, nhất là khi vàng được nắm giữ chủ yếu bởi các ngân hàng trung ương mà không phải các chính phủ.

Nguồn WGC/KhamPha


Sự kiện