Thứ Bảy | 01/03/2014 09:52

Vàng có thực sự tỏa sáng trở lại sau một năm bị lu mờ?

Sau khi để mất tới 28% giá trị trong năm 2013, giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại vào khoảng hơn 10% tính từ đầu năm đến nay.
Các chuyên gia đã viện dẫn nhiều nguyên nhân đằng sau sự tỏa sáng trở lại của vàng sau một năm bị lu mờ như các thị trường chứng khoán mất dần sức hấp dẫn, nhiều đồng tiền mất giá, chính sách tiền tệ của Mỹ thay đổi, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới hụt hơi nhưng có lẽ sức mua vàng đều đặn từ Trung Quốc được coi là lực đẩy chính.

Nhân tố Trung Quốc
Ngay từ đầu năm thị trường vàng đã bắt đầu nổi sóng và xua tan tâm lý bi quan của nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong ba tháng đầu năm 2014 sau đợt lao dốc không phanh trong năm 2013.

Đà tăng trên thị trường vàng ngày càng vững hơn sang tháng Hai sau khi chạm ngưỡng 1.290 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 3 tháng vào phiên 11/2.

Chỉ ba phiên sau đó càng được đà vàng đã nhanh chóng phá ngưỡng 1.300 USD/ounce theo sau làn sóng gom vàng từ các nhà đầu tư.

Tới phiên 25/2 giá vàng đã ở mức đỉnh của hơn 4 tháng là 1.342,7 USD/ounce và vẫn trong xu thế đi lên. Tuy vậy, dù sao thị trường vàng vẫn chưa với tới kỷ lục 1.920 USD/ounce hồi năm 2011.

Tờ Les Echos (Pháp) dẫn nhận định của chuyên gia Ngân hàng Citigroup cho biết thị trường vàng vẫn đang tập trung vào Trung Quốc, nước đang đẩy mạnh mua trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Dẫn số liệu chính thức từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), Les Echos cho biết, năm 2013, Trung Quốc đã mua tới 1.176 tấn vàng, tăng 41,36% so với năm 2012, trong đó 717 tấn là nữ trang, 376 tấn là vàng dùng để đầu tư, 49 tấn dùng trong công nghiệp, 35 tấn cho các mục đích khác.

Số vàng trên còn chưa tính tới các đợt thu mua khá rầm rộ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - tức Ngân hàng trung ương.

Trung Quốc đã tranh thủ việc giá vàng hạ giảm để mua vàng miếng và nhất là vàng trang sức.

Theo CGA, nhu cầu vàng tăng mạnh tại Trung Quốc trong năm ngoái được cho một phần là nhờ "sức quyến rũ" đối với tầng lớp người trung niên và làn sóng "tìm vàng" của phụ nữ khi thị trường vàng thế giới sụt khá mạnh.

Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) càng khẳng định nhu cầu "săn" vàng ở Trung Quốc trong năm ngoái khi vàng rớt giá mạnh trong quý II.

Theo báo cáo Xu hướng về nhu cầu vàng của WGC, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ để lần đầu tiên trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Cụ thể là Trung Quốc đã mua 1.066 tấn vàng, vượt qua mức gần 975 tấn của Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi phải áp dụng các biện pháp giới hạn nhập khẩu để giảm thâm hụt ngân sách.

Bên cạnh đó WGC cũng cho hay người tiêu thụ vàng trên toàn cầu tiếp tục chuyển từ Tây sang Đông. Người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều vàng nữ trang, vàng miếng và tiền vàng hơn trong năm ngoái với mức cầu gia tăng hầu hết là tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan, trong khi như cầu vàng lại giảm tại Mỹ và Ấn Độ.

Số liệu của Cục Hải quan Liên bang Thụy Sĩ cho thấy, trong tháng Một năm nay châu Á đã trở thành khách mua vàng chủ chốt của Thụy Sĩ khi chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu vàng đạt trị giá 6,9 tỷ franc (7,8 tỷ USD).

Với 3,1 tỷ franc (tương đương khoảng 85 tấn vàng) chiếm 44% kim ngạch xuất khẩu vàng trong tháng Một, Hong Kong trở thành một trung tâm giao dịch vàng quan trọng và là cửa ngõ đến châu Á.

Mỹ rút dần chính sách kích thích kinh tế
Từ đầu năm tới nay sự lấp lánh của vàng lại nổi lên dù cho Mỹ đã từng bước thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ.

Có lẽ động thái giảm bơm tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động mạnh tới các thị trường tiền tệ thế giới. Sau hơn 5 năm bơm tiền kích thích kinh tế, với đợt sau cùng là bơm ra 85 tỷ USD/tháng kể từ tháng 9/2012, Fed đã rút 20 tỷ USD khỏi thị trường qua hai đợt giảm đà bơm tiền.

Các thị trường được hưởng lợi nhờ chính sách bơm tiền của Mỹ lo ngại rằng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng, đồng USD sẽ lên giá và dòng tiền sẽ chảy ngược về Mỹ. Lo ngại đó đã trở thành hiện thực khi các thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục chìm trong sắc đỏ và đồng nội tệ của nhiều nước mất giá.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tụt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, đồng rúp Nga rơi xuống các mức thấp nhất trong vòng gần 5 năm so với USD và euro (49 rúp/euro và 35,6425 rúp/USD trong phiên 19/2), trong khi đồng peso của Argentina đã mất giá 33% trong năm 2013 và khoảng 23% từ đầu năm nay.

Tình hình trên cũng khiến nhà đầu tư đổ xô mua vào đồng yen hay đồng franc Thuỵ Sĩ, khiến các đồng tiền này tăng giá mạnh trở lại.

Thực trạng đó đã thôi thúc nhà đầu tư mạnh tay "ôm" vàng, khiến ánh hào quang của vàng nhanh chóng trở lại.

Những động thái trên chứng tỏ nhà đầu tư đang tìm nơi trú ẩn ở những tài sản an toàn sau một đợt bán tháo đồng tiền ở các thị trường đang nổi. Vàng thường được coi là một kênh đầu tư an toàn trong thời kinh tế bất ổn và nói chung thường chuyển động ngược chiều với chứng khoán và đồng USD.

Không những thế, theo giới phân tích, những mảng màu tối hơn từ hai nền kinh tế lớn thế giới cũng kéo các nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Đợt rét kỷ lục hồi đầu tháng Một ở nhiều bang ở Mỹ cộng với một loạt trận bão tuyết khủng khiếp kể từ đầu năm làm doanh thu bán lẻ giảm sút, tình hình thị trường việc làm u ám và sản lượng công nghiệp đi xuống.

Thực tế này đang cản trở đà phục hồi đang có chiều hướng khả quan hơn của nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới.

Còn tại Trung Quốc, giá bất động sản trong tháng Một tăng chậm lại hay Chỉ số PMI trong tháng Hai đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng và vẫn dưới ngưỡng 50 điểm càng gây lo âu về sự giảm tốc của nền kinh tế cũng như những ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi và châu Âu.

Hướng đi nào cho vàng? Giới phân tích cảnh báo nếu Trung Quốc duy trì tốc độ mua vàng, các quỹ đầu cơ sẽ trở lại với vàng sau khi rời bỏ thị trường này để chạy sang các thị trường cổ phiếu được cho là sinh lời hơn trong năm 2013, khiến giá vàng thế giới tiếp tục bị đẩy lên.

Ngân hàng UBS AG đã nâng dự báo giá vàng năm 2014 viện dẫn thay đổi trong tâm lý các nhà đầu tư Mỹ đối với kim loại quý đã tăng mạnh trong năm nay nhờ sức mua từ châu Á và nhà đầu tư lại tìm đến vàng để bảo toàn nguồn vốn trong bối cảnh bất ổn chính trị diễn ra tại nhiều nơi như Thái Lan, Ukraine...

Hai nhà phân tích Edel Tully và Joni Teves dự báo giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.300 USD/ounce trong năm 2014, cao hơn mức dự báo 1.200 USD/ounce đưa ra trước đó. Tuy nhiên, dự báo của UBS lại trái ngược với Societe Generale SA và Goldman Sachs Group Inc., khi nhận định rằng giá vàng sẽ giảm một khi nền kinh tế khởi sắc hơn làm Fed đẩy nhanh tiến độ thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế.

Theo nhà phân tích Jeffrey Currie từ Goldman Sachs tại New York, giá vàng sẽ hạ khi tăng trưởng kinh tế Mỹ được cải thiện. Khi đó giá vàng sẽ ở mức 1.050 USD/ounce vào cuối năm.

Còn chuyên gia Robin Bhar từ Societe Generale SA có trụ sở tại London nhận định giá vàng sẽ ở mức 1.050 USD/ounce trong quý 4/2014. Biên bản cuộc họp ngày 28-29/1 mới được Fed công bố cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed nhìn chung đều dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng ở mức độ vừa phải trong những quý tới, cho phép Fed duy trì tốc độ rút các biện pháp kích thích kinh tế.

Các chuyên gia nhận định giá vàng tại Ấn Độ năm 2014 có thể thay đổi khi chính phủ rút lại một số biện pháp khắt khe ban hành năm 2013. Việc giảm thuế nhập khẩu và nới lỏng những hạn chế khác có thể giảm giá vàng trong nước.

Năm 2013, Chính phủ Ấn Độ đã ba lần tăng thuế nhập khẩu vàng lên mức 10% để hạn chế nhập khẩu và kiểm soát thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai. Marcus Grubb, giám đốc đầu tư tại WGC cho biết, Trung Quốc được dự báo vẫn có mức tăng tiêu thụ vàng trong dài hạn và chắc chắn sẽ đóng góp phần lớn cho thị trường vàng thế giới trong năm nay cũng như giữ vững vị trí quán quân về tiêu thụ vàng./.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện