Tại thị trường trong nước, sau khi tăng lên mức giá cao nhất từ nhiều tháng qua, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm 100.000 đồng mỗi lượng. Ảnh: T.L.
Vàng cần ít nhất 1 tuần để bứt phá
Giá vàng quốc tế trưa 14/8 chỉ còn 1.911 USD/ounce. Thị trường vàng đang gặp khó khăn khi chi phí cơ hội để nắm giữ kim loại quý này tiếp tục tăng. Như vậy, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 30 USD so với mức chốt phiên giao dịch đầu tuần trước, khi đối mặt với một loạt báo cáo kinh tế và lao động khả quan.
Sau tuần thứ 2 liên tiếp giảm sâu, vàng vẫn tiếp tục ở trong thế giằng co bởi ý kiến đối lập xung quanh việc liệu lãi suất đã chạm đỉnh hay vẫn còn nhiều đợt tăng lãi suất nữa.
Khảo sát giá vàng mới nhất cho thấy, các nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng sẽ đạt mức tăng vững chắc trong tuần kết thúc vào ngày 18/8. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích thị trường vẫn thận trọng khi họ chờ đợi các thông tin rõ nét từ các chỉ báo kinh tế và xu hướng kỹ thuật.
Ông Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management, tin rằng vàng sẽ đạt được một số mức tăng trong tuần này. “Vẫn có sự giằng co giữa yếu tố tiêu cực là khả năng tăng lãi suất và yếu tố tích cực là khả năng việc tăng lãi suất sắp kết thúc, trước khi lạm phát được chế ngự... Khi tâm lý thay đổi, vàng có thể tăng giá đáng kể", ông nói.
Ông Sean Lusk, đồng Giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, cho rằng, bất cứ sự suy yếu nào của vàng trong ngắn hạn cũng nên xem là cơ hội mua vào bởi kim loại quý này vẫn được hỗ trợ tốt trong dài hạn.
Tại thị trường trong nước, sau khi tăng lên mức giá cao nhất từ nhiều tháng qua, giá vàng miếng SJC đã quay đầu giảm 100.000 đồng mỗi lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 66,8 triệu đồng, bán ra 67,4 triệu đồng; Eximbank mua vào 66,8 triệu đồng, bán ra 67,2 triệu đồng… Giá vàng nhẫn giữ ở mức 55,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào, bán ra 56,8 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới khoảng 12,3 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn trong nước cao hơn thế giới 1,8 triệu đồng/lượng.
Có thể bạn quan tâm: