Doanh thu vận tải hành khách 5 tháng sụt giảm mạnh, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020.Ảnh: TL.
Vận tải đường sắt doanh thu giảm gần 90% sau 2 năm đại dịch
Lao dốc không phanh
Bên cạnh ngành hàng không, du lịch... Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch thời gian qua, đã phải thường xuyên cắt giảm, điều chỉnh các chuyến tàu khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh thu vận tải hành khách 5 tháng sụt giảm mạnh, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020. Theo đó, các chỉ tiêu vận tải hành khách đều giảm nghiêm trọng như lượt hành khách lên tàu thực hiện được 1.147.813 lượt, bằng 64,6% so với cùng kỳ. Doanh thu hành khách đạt hơn 400 tỉ đồng, bằng 51,4%.
Riêng trong tháng 5, tháng cao điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trên nhiều tỉnh, thành, hành khách lên tàu 132.300 lượt, chỉ bằng 48,4% so với cùng kỳ. Doanh thu hành khách 44,7 tỉ đồng, bằng 55,4%.
Dự báo doanh thu tháng 6 cũng khó có thể tiến triển. So sánh thời điểm trước dịch, doanh thu của "ông trùm" ngành đường sắt đạt 4.619 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. Nghĩa là, sau 2 năm dịch, doanh thu sụt giảm gần 10 lần.
Ảnh: TL. |
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát từ ngày 27.4.2021 và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có số ca nhiễm dịch lớn, có ổ dịch phức tạp đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM…
Cùng đó, nhiều địa phương quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch và người về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly từ 14 đến 21 ngày. Thực hiện các quy định phòng dịch này, người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách, vì vậy lượng khách đi tàu sụt giảm nghiêm trọng. Cũng do dịch bùng phát đợt 4 vào dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, nên đã có 11.383 vé bị trả lại với doanh thu bị trả lại xấp xỉ 4 tỉ đồng.
Khó thêm khó
Trước đó, do dịch COVID-19 bùng phát đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành đường sắt đã hoàn tiền trả vé cho hành khách tại các ga sau 90 ngày bảo lưu. Hành khách sụt giảm, tình trạng trả lại vé tàu liên tục khiến lãnh đạo ngành đường sắt không khỏi lo lắng. Ngành đường sắt đã phải cắt giảm nhiều đoàn tàu khách, để giảm chi phí và cắt lỗ.
Do tốc độ giảm sâu như trên, nên tỷ trọng số khách luân chuyển của ngành đường sắt trong tổng số khách luân chuyển của toàn ngành vận tải năm 2020 đã giảm so với năm 2010, ngày một thấp xa so với tỷ trọng tương ứng của các ngành vận tải khác.
Ngành đường sắt đã phải cắt giảm nhiều đoàn tàu khách, để giảm chi phí và cắt lỗ. Ảnh: TL. |
Năm 2020 so với năm 2010, chỉ có tỷ trọng đường bộ tăng, còn các ngành vận tải khác đều giảm, chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19, trong đó tỷ trọng của ngành đường sắt giảm còn ở mức thấp và thấp xa hơn các ngành vận tải khác. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng ngành vận tải đường sắt còn xuống thấp hơn nữa ở mức 0,73% và thấp xa so với tỷ trọng của các ngành vận tải khác.
Đối với luân chuyển hàng hóa, ngành vận tải đường sắt cũng trong tình trạng giảm như luân chuyển hành khách, tuy mức độ giảm có ít hơn. Cụ thể, tốc độ tăng bình quân năm về luân chuyển hàng hóa trong thời kỳ 2011-2020 của ngành đường sắt giảm 0,36%, trong khi của toàn ngành vận tải tăng 4,54%, của đường biển tăng 1,7%, của đường sông là 8,08%, của đường bộ là 9,64%, của đường hàng không là 23,64%.
Không chỉ sản lượng, mà còn nhiều chỉ tiêu khác của ngành đường sắt cũng rất đáng quan ngại. Bộ máy cồng kềnh với 26.000 lao động. Năm 2019 doanh thu chỉ hơn 4.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 17 tỉ đồng,... Năm 2020 lỗ 1.324 tỉ đồng/vốn chủ sở hữu chỉ có 3.250 tỉ đồng.