Hoàng Quân Thứ Ba | 29/11/2016 08:00

Vận son gấc Việt

Gấc của Việt Nam đã trở thành thương hiệu, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Nhật, châu Âu.

Được chế biến thành viên nang, những giọt tinh dầu gấc đỏ rực và trong suốt đang được nhiều người sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng. Thậm chí, một hãng thực phẩm chức năng của Mỹ đã cho ra sản phẩm “siêu nước trái cây” có thành phần chính là trái gấc của Việt Nam và bán với giá hàng triệu đồng. Từ món ăn dân dã truyền thống, trái gấc đã đi một quãng đường xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Gấc là một loại cây bán hoang dại, cây leo và chu kỳ gieo trồng đến thu hoạch khoảng 9 tháng, 1 năm. Trung bình một gốc gấc cho thu hoạch 20-30 trái, khi chín trọng lượng trái đạt 1-1,5 kg. Gấc là một loại cây trồng có sức chống chịu tốt, chưa thấy sâu bệnh hại và không kén đất, chỉ cần một khoảng đất nhỏ đã có thể trồng được một gốc, có tuổi thọ 15-20 năm. Công dụng không ngờ của trái gấc đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam.

Thị trường Mỹ rất quan tâm đến trái gấc của Việt Nam và sản phẩm “siêu nước trái cây” là một ví dụ. Họ gọi trái gấc là “fruit from heaven” (trái đến từ thiên đường). Gọi như thế cũng không quá cường điệu nếu biết trong trái gấc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và gấp tới 68 lần cà chua...

Lâu nay, gấc chỉ dùng để nấu xôi hay làm màu trong ẩm thực. Nhưng gần đây, một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, hợp chất của Beta Caroten, Lycopen, Vitamin E... trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa nhiều chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú, chống ôxy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch... Khai thác tiềm năng này, một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất vào việc chiết xuất tinh chất và xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa. Mặt khác, trái gấc rất có tiềm năng phát triển thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm và thuốc.

Năm 2001, Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) đã xuất lô hàng đầu tiên sang Mỹ với thương hiệu Vinaga. Trong khoảng hơn 15 năm qua, công ty này cũng đang mở rộng thị trường một số nước khác.

“Sản phẩm dầu gấc của Việt Nam đã trở thành thương hiệu, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Nhật, châu Âu... Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ hợp tác với đối tác Nhật để thu mua, sơ chế và bán ruột gấc nguyên liệu cho họ. Song, nguồn nguyên liệu hiện vẫn chưa đáp ứng được đơn hàng lớn. Vì thế, ngoài các tỉnh miền Bắc, chúng tôi đang nghiên cứu và mở rộng diện tích gấc tại các tỉnh miền Trung. Thực sự tiềm năng của cây gấc rất lớn và còn nhiều cơ hội để phát triển”, ông Nguyễn Công Suất, Tổng Giám đốc Công ty VNPOFOOD, nhận định.

Công ty Gấc Việt cũng là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực chế biến gốc. Công ty này hiện có 2 nhà máy chuyên sản xuất gấc đông lạnh và dầu gấc. Cùng với trái gấc, Công ty cũng chiết xuất tinh dầu từ cây chùm ngây, tràm, gừng, nghệ... để cung ứng nguyên liệu cho ngành sản xuất dược liệu.

Về vùng nguyên liệu, hầu hết các công ty đều đẩy mạnh liên kết với các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng gốc. Tuy nhiên, Công ty gặp khó khăn trong việc thu mua gấc với số lượng lớn vì gấc không được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu. Thực tế, diện tích trồng gấc hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu nên tạo đầu ra khá ổn định cho bà con. “Công ty sẵn sàng thu mua gấc với số lượng 5.000 tấn/năm. Về hiệu quả kinh tế, có thể khẳng định trồng gấc là làm chơi, ăn thật, bà con nông dân chỉ việc trồng cây gấc xuống đất và đợi ngày thu hoạch. Chỉ cần trồng một gốc gấc, nếu chăm sóc tốt, đã có thể thu về từ 3-4 triệu đồng mỗi năm”, ông Suất chia sẻ.

Vùng nguyên liệu tập trung nhiều tại một số tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn... Tuy mới phát triển trên diện rộng và thu hoạch những vụ đầu nhưng năng suất gấc bình quân ở Yên Thế đã đạt khoảng 10-12 tấn/ha. Với mức giá thu mua trung bình từ 8.000-10.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ đi chi phí sẽ có thu nhập vào khoảng 80 triệu đồng/ha. Nếu chăm sóc tốt, cây gấc có thể cho thu hoạch liên tục trong 5-10 năm với sản lượng 18-20 tấn/ha, khi đó thu nhập có thể lên tới 100-150 triệu đồng/ha/năm. Do đó, với tiềm năng này, các công ty cũng sẽ dễ tạo được vùng nguyên liệu qua việc liên kết với các hộ dân. Tiềm năng về thị trường xuất khẩu gấc còn rất lớn và Việt Nam vẫn đang chiếm nhiều ưu thế về chất lượng trái và cả diện tích trồng nhờ lợi thế về thổ nhưỡng.

Một công ty lớn khác trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ gấc là Nafoods. Công ty hiện có 150ha vùng nguyên liệu chuyên trồng gấc ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chưa kể hợp đồng thu mua sản phẩm ở Hà Tĩnh, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, miền Tây Nam Bộ và nhiều nơi khác...

Chiếm khoảng 10% sản lượng tinh dầu gấc thế giới, Nafoods hiện là nhà xuất khẩu gấc Puree lớn nhất thế giới hiện nay, cũng là doanh nghiệp xuất khẩu gấc nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Nafoods hiện là doanh nghiệp duy nhất sở hữu chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu khép kín từ khâu giống - trồng trọt đến chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ. Nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với nông dân và đơn vị đầu vào, Nafoods đã tạo ra được vùng nguyên liệu rộng lớn giúp tiết giảm chi phí. Hướng về thị trường nội địa, Công ty cũng tung ra nhiều sản phẩm nước ép trái cây tươi, trong đó có nước uống từ gấc, tương gấc...

Theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Đông Phương, sản lượng xuất khẩu gấc vào thị trường Mỹ bình quân 500-1.000 tấn/năm. Ấn Độ là nước đứng đầu về công nghệ chiết suất tinh dầu, nhu cầu lượng gấc sấy khô tương đối lớn, bình quân 300-500 tấn/năm, tương đương 11.000 tấn/năm, diện tích trồng dự kiến khoảng 366ha. Nhật là nước tiêu thụ phần lớn dầu gấc Việt Nam, bình quân từ 50.000-60.000kg dầu gấc nguyên chất/năm, tương đương 4,2 triệu tấn/năm, diện tích trồng khoảng 140ha. Thái Lan cũng là thị trường lớn cho gấc trái và bột gấc của Việt Nam, bình quân khoảng 1 triệu tấn/năm, tương đương 250ha. Thị trường châu Âu có nhu cầu gấc tươi đông lạnh của Việt Nam khoảng trên 2 triệu tấn hằng năm, tương ứng diện tích canh tác khoảng 500ha.

Việt Nam là nước rất có lợi thế về sản xuất trái cây. Song thực tế, trái cây của Việt Nam thường không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Hy vọng lợi thế của trái gấc sẽ tạo động lực cho trái cây Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Hoàng Quân