Vấn đề toàn cầu và lợi ích quốc gia
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan đã khép lại sau 2 ngày làm việc khẩn trương với sự tham gia tích cực của các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ 53 cường quốc hạt nhân cũng như các quốc gia có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu không chỉ đóng góp trách nhiệm vào thành công chung của hội nghị mà còn khẳng định rõ Việt Nam đã, đang và tiếp tục nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác, đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu. Các hoạt động ngoại giao song phương dầy đặc và sôi động với hầu hết nhà lãnh đạo các quốc gia lớn tham dự hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đem lại những lợi ích thiết thực trong tiến trình đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế của đất nước.
Việt Nam chủ động, trách nhiệm, đóng góp tích cực…
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân là sự kiện quốc tế lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông trên toàn thế giới, không chỉ vì sự xuất hiện của nhiều vị Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ các cường quốc mà vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân luôn là tâm điểm chú ý của nhân loại. Đây là diễn đàn cấp cao, tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan |
Số lượng đoàn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại La Hay tăng từ 47 lên 53 quốc gia, trong đó có 14 vị Tổng thống, 1 Quốc vương, 16 Người đứng đầu Chính phủ… cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), Giám đốc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham dự tất cả 7 phiên họp toàn thể, đồng thời đề xuất 8/15 sáng kiến đưa ra tại hội nghị liên quan đến vấn đề an ninh thông tin hạt nhân, thiết lập các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Trong các bài phát biểu trước đông đảo cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
Không chỉ thể hiện bằng ý chí chính trị, Việt Nam còn hành động tính cực cả nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế quốc gia cũng như tham gia một cách trách nhiệm đối với các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa cam kết: Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu, nhất là trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014…
Ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cùng những đánh giá, nhận định sâu sắc của Thủ tướng Việt Nam nhận được sự hoan nghênh, chia sẻ và tán đồng của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA và Liên Hợp Quốc trước những thách thức đối với mục tiêu chung của nhân loại là đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân.
Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Đề xuất này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, lợi ích trong quá trình phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam…
Nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc gia và lợi ích của dân tộc
Có thể nói, hiếm hội nghị quốc tế nào mà đoàn Việt Nam tham dự lại đặc biệt như Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3. Điều đặc biệt đầu tiên là nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia đã chủ động gặp gỡ, trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các vấn đề hợp tác song phương, các vấn đề mang tính liên kết khu vực trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng, xây dựng, hợp tác cùng phát triển.
Liên tục trong 2 ngày diễn ra hội nghị, xen kẽ cả trong thời gian nghỉ giải lao giữa các phiên họp và cả vào buổi tối, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành tới 20 cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các quốc gia lớn là đối tác với Việt Nam như: Tổng thống Hoa Kỳ Obama; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Đức…và các tổ chức quốc tế như Tổng thư ký Lợp Quốc Ban Ki Moon, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama |
Tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama là tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng Hoa Kỳ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thoả đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển.
Tổng thống Obama cho rằng với quyết tâm chính trị, các nước thành viên sẽ hoàn tất đàm phán TPP theo tinh thần tuyên bố chung Honolulu 2011. Tổng thống Obama cam kết sẽ có sự linh hoạt và đối xử khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng như cam kết mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho hàng dệt may, da giày, nông thuỷ sản của Việt Nam, đồng thời xử lý thỏa đáng các vấn đề mới hoặc nhạy cảm liên qua đến lao động, mua sắm Chính phủ…Tổng thống Obama cũng khẳng định sẽ sớm thăm Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị lãnh đạo cấp cao hai nước cần tăng cường tiếp xúc thường xuyên để trực tiếp trao đổi và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, nhất là trong bối cảnh phức tạp như hiện nay. Trên cơ sở các kế hoạch hợp tác song phương mà Chính phủ hai nước đã thống nhất trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Tập Cận Bình mong muốn Uỷ banchỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung sớm họp bàn các biện pháp cụ thể để thúc đẩy triển khai một cách hiệu quả nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại La Hay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí Chính phủ hai nước sẽ tập trung thực hiện tích cực, hiệu quả các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Liên quan đến vụ việc công ty Nhật Bản hối lộ để giành được dự án đường sắt tại Việt Nam, hai Thủ tướng nhất trí giao các cơ quan hữu quan của hai nước nghiêm túc phối hợp điều tra vụ việc này, đồng thời khẳng định quyết tâm hợp tác chặt chẽ của Chính phủ hai nước nhằm ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA của Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp |
“Hình ảnh Việt Nam luôn trong tim những người bạn Pháp” – Tổng thống Pháp François Hollande đã ví von như vậy khi gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại La Hay. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí tập trung đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp cũng như triển khai các biện pháp cụ thể để Năm Việt Nam tại Pháp 2014 thành công tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng ĐứcAngela Merkel |
Đẩy nhanh triển khai dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh và giai đoạn 2 dự án xây dựng Tuyến tầu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong những chủ đề chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Đức chọn thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức Hội nghị Kinh doanh Đức khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đây là sự kiện kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Đức và các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung và với Việt Nam nói riêng. Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan hai nước phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình phong phú và ý nghĩa để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức vào năm 2015.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai Thủ tướng nhất trí khuyến khích, tạọ điều kiện triển khai thêm 2 Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Việt Nam.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp với nhau và với các thành viên TPP, đặc biệt là các nước ASEAN trong TPP nhằm thúc đẩy mục tiêu hoàn tất đàm phán trong thời gian sớm nhất. Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về phối hợp trong ASEAN, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế; thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng COC.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Manuel Barroso cam kết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng EU tiếp tục dành viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020, đồng thời nỗ lực thúc đẩy Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Barroso cũng tập trung trao đổi về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Hai bên đều đang tập trung nguồn lực đàm phán để có thể kết thúc đàm phán trước Hội nghị cấp cao ASEM 10 vào tháng 10 tới. Việt Nam mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ là một Hiệp định cân bằng, đem lại lợi ích thực sự cho hai bên...
Các hoạt động ngoại giao sôi động và dầy đặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị, không chỉ góp phần thắt chặt sự hiểu biết, tin cậy chính trị mà còn thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm và các vấn đề thời sự đang nổi lên đối với lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác hình mẫu Việt Nam-Hà Lan
Một trong những mục tiêu của chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 là thúc đẩy quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực với nước chủ nhà hội nghị Hà Lan. Đây là một trong những mối quan hệ hình mẫu giữa Việt Nam với các nước Châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Hoàng hậu Hà LanMaxima |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội kiến Hoàng Hậu Hà Lan Maxima cũng là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp Quốc về Tài chính vi mô dành cho phát triển và là một chuyên gia có uy tín của Liên hợp quốc về tài chính vi mô rất quan tâm đến việc hỗ trợ người dân nghèo, đặc biệt là phụ nữ tại các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hoàng hậu Maxima, với cương vị quan trọng trong lĩnh vực tài chính của Liên Hợp quốc, quan tâm dành cho Việt Nam các dự án, chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực quản lý các dự án tín dụng nhỏ, đảm bảo an ninh lương thực và giáo dục. Hoàng hậu Maxima bày tỏ mong muốn và đã nêu một số đề xuất thúc đẩy quan hệ hai nước nói chung cũng như hợp tác tài chính vi mô với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan |
Ngay sau khi tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tiến hành ngay cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với sự tham dự của các thành viên Chính phủ hai nước. Hai Thủ tướng thống nhất chỉ đạo Chính phủ hai nước tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực như dầu khí (khai thác ngoài khơi), đóng tàu, nông nghiệp…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; Nông nghiệp; Năng lượng và dầu khí; Cảng biển và Dịch vụ hậu cần. Chính phủ hai nước quyết tâm sớm kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết “Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Hà Lan tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, quy hoạch phát triển điện gió, năng lượng mặt trời, cũng như giúp Việt Nam nâng cao chất lượng và năng lực cung cấp dịch vụ hậu cần, thúc đẩy và quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kho vận hậu cần. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Hà Lan tiếp tục dành ưu tiên về hợp tác phát triển cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nước, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các doanh nghiệp và giữa các trường Đại học và viện nghiên cứu…
Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước tham dự Hội nghị |
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Hà Lan tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với EU. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Hà Lan và các nước ASEAN.
Cùng với tổ chức các các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nghi thức ngoại giao trọng thị, thân tình, Hà lan cũng đã thu xếp chương trình với 10 cuộc làm việc cho các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, nhất là cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng các bộ: Công thương, Y tế, Khoa học và công nghệ, Ngân hàng Nhà nước cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm việc với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, y tế, ngân hàng, khoc học, công nghệ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và đại diện lưu học sinh, kiều bào ta ở Hà Lan.
Các hoạt động ngoại giao, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam với các đối tác Hà Lan tương tự như chương trình ngoại giao của một chuyến thăm làm việc chính thức.
Kết quả mà hai bên đạt được sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan, đồng thời mở ra nhiều triển vọng mới với nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác phát triển của cả hai quốc gia. Hơn 2 tháng nữa, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ sang thăm chính thức Việt Nam. Điều này một lần nữa thể hiện Hà Lan đặc biệt coi trọng thắt chặt quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Chuyến đi này được kỳ vọng là một bước tiếp nối nhằm cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Nguồn vov.vn