Vẫn còn rất nhiều lý do để lạc quan về giá dầu!
Những luồng dư luận xôn xao gần đây về đà sụt giảm bất ngờ của giá dầu thực ra đã quên mất một điều: tình hình cung cầu cũng kinh tế toàn cầu không có thay đổi gì đáng kể. Giá dầu thô có vẻ như đang giảm mạnh trở lại, nhưng khó mà giảm thêm nữa từ mức hiện tại, và được kỳ vọng sẽ giao dịch trong biên độ 45-60 USD/thùng trong năm nay.
Giá dầu giao ngay đã giảm xuống dưới mức 48USD/thùng trong tuần vừa qua, từ mức trên 54USD/thùng vào đầu tháng 3, một phần do các nhà đầu cơ giảm trạng thái mua ròng khổng lồ 2 tuần trước, xuống mức thấp nhất trong 1 tháng. Trước đó, các nhà đầu cơ đã liên tục đánh cược rằng giá dầu sẽ tăng lên sau khi OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm vào cuối tháng 11/2016.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng với việc OPEC cắt giảm sản lượng, đã khiến giá dầu ngày càng chịu ảnh hưởng của biến động nguồn cung. Với công nghệ mới, các nhà sản xuất tại Mỹ vẫn có thể có lời nếu giá dầu xuống vùng 30-35USD/thùng, chỉ bằng 30% mức giá hòa vốn được ước đoán trước đây. Việc chính quyền Trump ủng hộ việc xây dựng các đường ống dẫn dầu, giảm thuế cho ngành này và nới lỏng các luật lệ có thể khiến giá dầu ổn định trở lại.
Mức tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ từ năm 2001 tới nay (tính theo triệu thùng/ngày). Ảnh: Bloomberg |
Thị trường hiện vẫn đang thừa cung và tồn kho dầu tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 582 triệu thùng, trước khi giảm nhẹ khoảng 200.000 nghìn thùng. Tuy nhiên, do mùa hè đang đến gần, lượng xăng tiêu thụ tại Mỹ sẽ tăng lên để phục vụ nhu cầu đi lại nhiều hơn của người dân. Thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, và OECD cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm nay, từ mức 3,2% trong năm 2016. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng bình quân 1,2% mỗi năm từ nay cho tới năm 2022, chủ yếu nhờ các nước đang phát triển. Việc nhu cầu tăng lên sẽ giúp bỏ qua quan ngại về tồn kho dầu tại Mỹ, giảm tồn kho toàn cầu và bình ổn được giá dầu.
Ngoài ra, chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC đang phát huy tác dụng. Việc OPEC cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày và các nước ngoài khối cắt giảm thêm 600.000 nghìn thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017 đã tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tuần này, OPEC sẽ họp vào ngày 25/3 để quyết định xem có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không. Song song với cuộc họp này, một hội đồng gồm 5 nước thành viên OPEC sẽ họp tại Kuwait vào ngày 25-26/3 để đánh giá việc tuân thủ thỏa thuận của khối.
Tồn kho dầu của thế giới trong quá khứ và dự báo từ đây cho tới 2022. Ảnh: Bloomberg |
Những trở ngại nhất thời vẫn sẽ còn đó. Giá dầu đã phản ứng tiêu cực khi Arab Saudi tăng sản lượng của mình lên hơn 10 triệu thùng/ngày trong tháng 2. Dù Arab Saudi cũng không phải là mẫu mực về việc tuân theo thỏa thuận, tin tức này cũng đủ để khiến giá dầu WTI giảm xuống 47,09 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ khi OPEC thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, bộ trưởng năng lượng Arab Saudi biện minh rằng, sản lượng xuất khẩu của nước này vẫn giảm 90.000 USD/thùng xuống 9,9 triệu thùng/ngày, còn sản lượng tăng thêm để dành cho dự trữ. Và với mức 10,011 triệu thùng/ngày thì sản lượng của Arab Saudi vẫn thấp hơn mức trần 10,058 triệu thùng mà thỏa thuận đề ra. Libya mới đây cho biết sản lượng của nước này cũng giảm 11%, xuống mức 620.000 thùng/ngày, do tình hình xung đột vũ trang.
Dù sao đi nữa, có một điều cũng khiến giới đầu tư an tâm hơn là ảnh hưởng của giá dầu lên kinh tế toàn cầu đang giảm đi, do bớt dần sự tương quan giữa giá dầu với tỷ giá đồng USD và lạm phát. Khi thị trường ổn định trở lại và các thay đổi về sản lượng của OPEC được ghi nhận, mức độ biến động giá dầu cũng sẽ giảm xuống. Việc kiểm soát nguồn cung dầu của các nước trong và ngoài OPEC (trừ Mỹ) và sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ giữ giá dầu ở mức cân bằng trong năm nay.
* Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia đầu tư Shelley Goldberg, đang làm việc tại G3 Capital Partners và Union Bancaire Priveé
Bá Ước
Nguồn BloombergView