Vẫn chưa rõ chi phí tái cơ cấu nền kinh tế
Đề án này có nhiều điểm khác so với đề án ngày 5/4 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế lại được đưa ra trên cơ sở đề án của Bộ, vì đề án của Chính phủ chỉ mới hoàn thành ngày 17/4.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu nhận xét của Thường trực Ủy ban này về đề án cho biết, đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian…
Theo một số ý kiến chuyên gia, chi phí để tái cơ cấu kinh tế có thể lên tới 10% GDP.
Việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực, sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại..., Chủ nhiệm Giàu nhấn mạnh.
Bên cạnh nội dung nói trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đặt ra khá nhiều vấn đề cần bổ sung, bàn thảo với quan điểm nhiều chiều tại đề án này.
Theo thường trực Ủy ban, cách đặt vấn đề của đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng của sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Còn khá nhiều băn khoăn về quan điểm chỉ đạo được nêu tại đề án, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đề xuất 6 quan điểm chỉ đạo: (1) Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, (2) Xây dựng quan hệ sản xuất mới; (3) Tạo sự đồng thuận trong việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng bền vững từ trung ương đến địa phương; (4) Vai trò của Nhà nước tập trung quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô; (5) Độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, tham gia bình đẳng vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu; (6) Triển khai thực hiện đề án tổng thể một cách nhất quán, có lộ trình, có mối liên kết giữa các đề án thành phần và có trọng tâm, trọng điểm.
Liên quan tới 12 nhóm giải pháp (đề án mới tăng thêm 1 giải pháp), nhiều ý kiến tại Ủy ban cho rằng các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau cũng như chưa thực sự đồng bộ, gắn kết với các Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp mang tính xã hội.
Với khâu tổ chức thực hiện mà thực chất là các giải pháp trước mắt để thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phải làm rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, bộ, ngành ở trung ương và của địa phương trong việc thực hiện đề án.
Cần hình thành một thiết chế riêng chịu trách nhiệm giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện đề án này. Nếu cần thiết, Quốc hội xem xét, trao cho thiết chế này có một số thẩm quyền nhất định để thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là vấn đề đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội từ kỳ họp trước.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc sau khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc theo dõi, giám sát thực hiện đề án này.
Nguồn Vneconomy