VAMM - nỗi lo của nhà nhập khẩu môtô
Đang giới thiệu chiếc Honda CBR250R cho một khách hàng, anh Trung lại đón tiếp một khách hàng nữa vào hỏi chiếc Yamaha R15. Việc bỏ hạn chế cấp bằng lái A2 từ đầu năm 2014 khiến showroom xe nhập khẩu của anh đông hơn mọi năm, trong đó dòng 250 phân khối được khách hàng hỏi nhiều.
"Hy vọng cánh xe nhập khẩu vẫn còn đất phát triển khi VAMM đi vào hoạt động", Anh Trung chia sẻ.
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam VAMM (Vietnam Association of Motorcycle Manufacturers) thành lập ngày 26/8/2013 và xuất hiện trước công chúng ngày 19/2. Việc ra đời của VAMM theo các chuyên gia là sự cần thiết để xây dựng một nền công nghiệp xe máy phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích của các hãng tham gia trong hiệp hội, những nhà nhập khẩu lại canh cánh nỗi lo khác.
VAMM hiện là sân chơi của 5 ông lớn trong ngành. Ảnh: |
VAMM hiện là sân chơi của 5 ông lớn là Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha. Chủ tịch Hiệp hội, ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cũng khẳng định, không kết nạp thêm các thành viên là nhà nhập khẩu chính hãng, bởi lẽ xuất phát từ cái tên có yếu tố sản xuất "Manufacturer".
Nếu những nhà nhập khẩu chính hãng "nước sông không phạm nước giếng" thì số lượng lớn các nhà kinh doanh xe nhập khẩu của các thương hiệu Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha lại lo lắng về viễn cảnh một hiệp hội giống VAMA (Vietnam Automobile Manufacturers Association) thứ hai.
Tháng 5/2011, thông tư 20 được Bộ Công thương ban hành khiến những nhà nhập khẩu xe hơi không chính hãng trở tay không kịp vì đòi hỏi cần có giấy chỉ định, ủy quyền từ hãng. Kể từ sau đó, lượng khách hàng được dồn hết sang các doanh nghiệp thuộc VAMA hoặc phân phối chính hãng, nhà nhập khẩu không chính thức hết đường làm ăn.
Lo lắng của anh Trung về một VAMM sắp tới rơi vào trường hợp tương tự như VAMA trước đây cũng là nỗi e ngại chung của những người làm xe nhập khẩu.
"Nếu có một thông tư tương tự 20 cho ngành xe máy, chúng tôi chắc phải chuyển nghề kiếm sống", Trung thở dài.
Thị trường xe máy Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình, từ xe máy phổ thông lên môtô cỡ nhỏ và vừa. Theo những người làm chiến lược trong ngành dự đoán, thị trường Việt Nam sẽ chuyển đổi theo hướng chung với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...Ở đây đất diễn chủ yếu là của xe ga và môtô cỡ nhỏ, manh nha cho thị trường phân khối lớn.
Lượng xe lưu hành hiện nay là 37 triệu, nhưng theo "Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" thì đến năm 2020 hạn chế còn 36 triệu xe. Do đó, nếu VAMM khi đã "đủ lớn" để đề nghị nới rộng con số thì các mẫu xe cũng sẽ được cân nhắc.
Nhà kinh doanh xe nhập khẩu có lý do để lo ngại về một "thông tư 20" trong ngành xe máy. Ảnh: |
Bởi lẽ, con số tiêu thụ xe phổ thông ngày càng tụt dốc, nếu 2011 là 3,3 triệu xe, 2012 là 3,1 triệu xe thì 2013 còn 2,8 triệu xe. Nhu cầu của người dân về xe phổ thông giảm xuống, đồng nghĩa với việc cần tìm ra những dòng xe mới lạ, mang tới nhiều sự quan tâm hơn như xe môtô đang được phân phối bởi những nhà kinh doanh xe nhập khẩu.
"Các hãng thừa nhạy cảm để nhận ra một thị trường môtô đang dần hình thành, nhất là khi bằng A2 đã thông thoáng", anh Nam người làm xe hơi và môtô nhập khẩu nhiều năm nhận định.
Sức mạnh thị trường của VAMM (5 hãng chiếm 96% thị phần) cũng giống như VAMA, nên sự lo lắng của những người làm kinh doanh xe nhập khẩu là có căn cứ. Vào thời điểm hiện tại, dung lượng thị trường vẫn ở mức thấp, nên cơ hội kinh doanh là vẫn còn, nhưng khi thị trường đã cứng cáp, sự xoay chuyển của chính sách là rủi ro, chi phí cơ hội cho những người làm nghề kinh doanh xe nhập khẩu.
Đức Huy
Nguồn Vnexpress.net