Hải Vân Thứ Tư | 29/08/2018 08:47

VAMC: Vốn 2 ngàn tỷ đồng, cần mua gần 4 ngàn tỷ đồng nợ xấu

Thậm chí, các tổ chức tín dụng đã đăng ký bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) khoảng hơn 20 ngàn tỷ đồng.

Số lượng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 tăng mạnh trong một năm qua, cho thấy “quyền chủ nợ” trong quan hệ dân sự và kinh tế được khẳng định, đồng thời phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện.

Rủi ro tiềm ẩn

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC, tại “Sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14”, hôm 29.8, cho biết, đã có 6 tổ chức tín dụng bán 26 ngàn tỷ đồng khoản nợ xấu, có dư nợ 10 tỷ trở lên, cho VAMC.

Từ 15.8.2017 đến 15.8.2018, VAMC và các tổ chức tín dụng đã thu hồi gần 100 ngàn tỷ đồng trên 277 ngàn tỷ đồng nợ gốc mà VAMC đã mua và đang quản lý. Tuy nhiên, Chủ tịch VAMC đã không tách riêng số liệu được thu hồi bởi VAMC vào thời điểm này.

VAMC: Von 2 ngan ty dong, can mua gan 4 ngan ty dong no xau
 


Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, cho biết, tính đến cuối tháng 6.2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31.12.2016 là 2,16%.Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống mức an toàn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là không để nợ xấu mới phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cũng xác định kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, kể từ ngày 15.8.2017 đến 30.6.2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 ngàn tỷ đồng, trong đó nợ xấu ngoại bảng là 70,23  ngàn tỷ đồng và nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 ngàn tỉ đồng.

Bước quan trọng nhất về xử lý nợ xấu đã được thực hiện, song ông Phó chánh Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vẫn lo ngại về những “rủi ro tiềm ẩn” có thể tác động lên toàn hệ thống. Việc xử lý nợ xấu một năm qua “phần lớn do các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng tự trả nợ chiếm đến 28%  trong nửa đầu năm 2018”.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại thời điểm 30.6.2018 là 2,09%, dù đã thấp hơn so với năm 2016 là 2,46%, nhưng vẫn cao so với thời điểm 31.12.2017 là 1.99%, tổng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng.

Hơn nữa, nợ xấu đã bán cho VAMC vẫn chưa được xử lý, trong khi đó nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đang tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Hiện, con số này đang xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, tới 486 ngàn tỷ đồng so với tổng cho vay đầu tư đối với nền kinh tế, chiếm 6,67%.

Chưa đủ nguồn lực

Việc Nghị quyết 42 đang đi vào cuộc sống trong khi vẫn tồn tại những vướng mắc là thật, dù hầu hết các giải pháp xử lý nợ xấu đã được triển khai nhằm kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh.

Tại điều 8 Nghị quyết 42 có thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào được xử theo quy định rút gọn dù đã có hơn 2.000 vụ việc tại tòa án các cấp và thi hành án của đại phương.

VAMC: Von 2 ngan ty dong, can mua gan 4 ngan ty dong no xau
 

Một vướng mắc nữa, với những dự án bất động sản dở dang VAMC đã thu giữ, nhưng không bán được tài sản cho chủ đầu tư mới, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể.

Nghị quyết 42 được triển khai 1 năm nay, nhưng đến nay mỗi một địa phương lại có cách hiểu và cách làm khác nhau. Cho nên, VAMC với địa phương này có thể chuyển giao được tài sản nhưng nơi khác lại không.

Theo Quyết định 1058 của Thủ thướng Chính phủ, vốn điều lệ VAMC được cấp năm 2018 là 5.000 tỉ đồng, đến năm 2020 là 10 ngàn tỷ đồng. “Đã có đất dụng võ nhưng chúng tôi chưa có đủ nguồn lực để làm”, ông Đông nói trong bối cảnh đã phải “cố gắng quay vòng” do năm ngoái VAMC chỉ được cấp 2.000 tỉ đồng.

Năm nay, kế hoạch mua tài sản của VAMC lên tới 3.500 tỉ đồng, tức là mua gấp đôi tài sản hiện có. Tuy nhiên, vốn của VAMC chỉ 2.000 tỉ đồng, ông Đông nói “chắc chắn không đáp ứng được nhu cầu”. Mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường là xử lý thực chất nhất. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ thị trường cho VAMC khoảng hơn 20 ngàn tỷ đồng, Chủ tịch VAMC cho biết.

Hơn một lần ông Đông nói về hiệu năng của Nghị quyết 42, nhưng để xử lý nhanh và triệt để nợ xấu, ông khẳng định, một số pháp lý cần sớm được điều chỉnh. Cạnh đó, VAMC cần nguồn lực, cụ thể là vốn và con người.