Thứ Bảy | 23/03/2013 10:43

VAMC và những vấn đề trước khi thành lập

Chính phủ sắp thông qua Nghị định thành lập VAMC. Hiện có những lo ngại liên quan đến phát hành trái phiếu xử lý nợ.
Trong cuộc họp với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án xử lý nợ xấu và Nghị định thành lập Công ty Quản lý Tài sản quốc gia (VAMC).

Sắp tới, Chính phủ sẽ phê duyệt 2 văn bản trên. Đây sẽ là những công cụ đắc lực giúp giải quyết một phần vấn đề nợ xấu, Thống đốc nói.

VAMC sẽ xử lý nợ như thế nào?

Trước thời điểm 2 văn bản này chính thức được công bố công khai, điều băn khoăn nhất hiện nay chính là cơ chế hoạt động và việc mua bán nợ của VAMC như thế nào.

Cuối tháng 1/2013, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online dẫn thông tin từ dự thảo Nghị định tổ chức và hoạt động của VAMC cho hay, nếu tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác NHNN quy định sẽ phải chủ động bán nợ cho VAMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không quá 3%. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa cho biết cụ thể việc mua bán nợ sẽ tiến hành như thế nào.

Về cơ chế hoạt động, phát biểu trên Bloomberg, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, VAMC sẽ phát hành trái phiếu để mua lại nợ của các ngân hàng, giúp dọn sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng và thúc đẩy các ngân hàng cho vay.

Để làm rõ hơn cơ chế phát hành trái phiếu, trao đổi với chúng tôi, TS Lê Hồng Giang, hiện đang quản lý danh mục đầu tư cho một quỹ phòng hộ tại Australia cho biết, VAMC có thể phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại (NHTM) lấy tiền mặt, sau đó các NHTM buộc phải bán nợ xấu cho VAMC để thu ngược về số tiền mặt đã dùng để mua trái phiếu.

"Trên thực tế đây là một dạng hợp đồng hoán đổi tài sản (asset swap) giữa các NHTM bị buộc phải tham gia để giảm nợ xấu về ngưỡng 3% và VAMC", TS Lê Hồng Giang cho hay.

Sau khi thực hiện hoán đổi (swap), bảng cân đối tài sản của NHTM không còn nợ xấu mà có một lượng trái phiếu của VAMC. Số trái phiếu này không trả lãi nhưng NHTM có thể đem đến NHNN tái chiết khấu.

Một chi tiết rất quan trọng là VAMC sẽ định giá nợ xấu như thế nào. Theo TS Lê Hồng Giang, có thể NHNN sẽ tính theo giá sổ sách (book value) để không ảnh hưởng đến bảng cân đối tài sản của NHTM.

TS Giang nhận định, nếu lựa chọn phương pháp tính theo giá trị sổ sách, điều này sẽ gây thiệt thòi cho những NHTM nào đã trích lập dự phòng đầy đủ, nhưng lợi cho những NHTM cố tình chậm trễ phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng.

Ở những nước có hệ thống tài chính phát triển, có nhiều công ty mua bán nợ thì người ta tổ chức đấu giá để xác định giá mua bán nợ xấu. Còn nếu không có nhiều người mua thì hai bên phải đàm phán với nhau, bên mua phải tự định giá bằng cách xem xét cụ thể hợp đồng vay và các tài sản thế chấp, ông nói.

Lo ngại nguồn kinh phí xử lý nợ xấu

Đằng sau việc VAMC phát hành trái phiếu xử lý nợ xấu chính là NHNN bơm tiền cho NHTM. Về lâu dài một lượng tiền lớn được NHNN bơm ra chắc chắn sẽ gây ra lạm phát, nhưng trong ngắn hạn còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong nước và nhu cầu xuất khẩu.

Báo cáo mới cập nhật của Standard Chartered (Tổng giám đốc ngân hàng này là trưởng nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF) cũng cho rằng vấn đề hiện nay là chưa rõ nguồn chi phí lớn để xử lý nợ xấu sẽ được tài trợ như thế nào.

Trường hợp Chính phủ sử dụng ngân sách để rót vốn cho ngân hàng xử lý nợ xấu, công cụ thuế sẽ phải đẩy mạnh để bù đắp ngân sách. Việc này sẽ gặp khó khăn khi Việt Nam đang bị thâm hụt tài khóa và chỉ thu được khá ít tiền thuế trong những năm vừa qua do doanh nghiệp khó khăn.

Nếu Chính phủ hoặc ngân hàng xã hội phát hành trái phiếu và mua nợ từ ngân hàng, bao gồm cả việc xóa một ít nợ xấu, các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, liên quan đến cả rủi ro đạo đức khi xác định mức xóa nợ với các ngân hàng.

Trong khi đó, nếu NHNN dùng dự trữ ngoại hối để bơm thẳng vốn cho các ngân hàng xử lý nợ xấu, việc này sẽ gặp thách thức khi dự trữ ngoại hối chưa đủ để triển khai. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 30 tỷ USD, mà NHNN còn phải thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng, ổn định tỷ giá..

Đề cập tới giải pháp lập công ty quản lý tài sản, Standard Chartered cho rằng Chính phủ dự kiến thiết lập công ty quản lý tài sản với mức vốn khoảng 60-100 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, phương án này đòi hỏi những nguyên tắc định giá khi chuyển giao tài sản phải được đưa ra đầy đủ (đặc biệt là khi hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đưa ra một khuôn khổ hiệu quả để giải quyết tài sản xấu và mới chỉ có bản ghi theo dõi giới hạn).

Chính những điểm quan trọng và sự ảnh hưởng lớn của VAMC đã khiến dự thảo Nghị định này cần phải được Bộ Chính trị thông qua và Bộ Tư pháp thẩm định trước khi được phê duyệt. Ngoài ra, trước khi chính thức có đề án xử lý nợ xấu và và VAMC, NHNN cũng phải ban hành những văn bản chuẩn bị cho quá trình này.

Trước tiên, NHNN công khai nợ xấu của hệ thống ngân hàng, sửa đổi lại quy định trích lập dự phòng, yêu cầu tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ...

Bên cạnh đó, quá trình xử lý nợ xấu cũng song hành với việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Chính phủ hiện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng, yêu cầu công khai ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát và sẽ bắt buộc các tổ chức này phải hợp nhất, sáp nhập hoặc bị mua lại nếu không thể có phương án và nguồn lực tự tái cơ cấu.

Ngoài ra, để huy động nguồn vốn từ bên ngoài để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, NHNN cũng đang lấy ý kiến về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tăng tỷ lệ sở hữu tại tổ chức tín dụng Việt Nam lên 30%, từ mức 20% hiện nay. Theo một nguồn tin, đầu tuần này, Hiệp hội ngân hàng đã họp với các thành viên để lấy ý kiến về dự thảo trên.

Nguồn Khampha


Sự kiện