VAMC và những dấu lặng
Trên thực tế, cho đến nay, mới chỉ có những dự báo về khả năng của VAMC. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết VAMC có thể xử lý được 30.000-70.000 tỉ đồng trong năm nay. Tổng Giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy thì nói rằng, trong 2 tháng tới, VAMC sẽ mua khoảng 10.000 tỉ đồng từ 10 ngân hàng bằng công cụ trái phiếu đặc biệt.
Đối với việc mua nợ xấu các ngân hàng, với hậu thuẫn của Ngân hàng Nhà nước, VAMC có lẽ sẽ đủ sức thực hiện. Nhưng ngoài việc giúp các ngân hàng làm sạch bảng cân đối kế toán, VAMC còn phải thực hiện các nhiệm vụ quan trọng hơn như cơ cấu lại nợ, tái cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp đang mang nợ hay định giá và bán lại nợ xấu cho các tổ chức tài chính khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, VAMC vẫn chưa đưa cách thức giải quyết những vấn đề này. Ngay cả việc xác định tỉ lệ tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho các tổ chức tín dụng khi họ mang trái phiếu đặc biệt nói trên đến vay tiền tại Ngân hàng Nhà nước cũng chưa được công bố.
Có thể nói, mô hình hoạt động của VAMC là sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều quốc gia châu Á từng rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Và VAMC có nhiều nét tương đồng với mô hình của Malaysia và Hàn Quốc, hai quốc gia rất thành công trong việc xử lý nợ xấu. Tuy vậy, VAMC vẫn có một vài điểm khác biệt.
Theo ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi của Korea Investment & Securities, nếu dựa trên những kế hoạch mà VAMC dự kiến thực hiện trong thời gian tới, có thể thấy giữa VAMC và công ty mua bán nợ xấu của Hàn Quốc (KAMCO) có khác nhau. Đó là việc các ngân hàng thương mại có tỉ lệ nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ xấu cho VAMC. KAMCO thì khác: các ngân hàng phải tự giảm mạnh tỉ lệ nợ xấu; ngân hàng nào không xử lý được, Chính phủ sẽ đứng ra mua lại nợ xấu của ngân hàng đó để tái cơ cấu.
Thêm vào đó, KAMCO chỉ mua lại nợ xấu với mức từ 20-40% giá trị sổ sách. Còn VAMC có vẻ như sẽ mua lại nợ xấu theo giá trị sổ sách. Theo ông Yun Hang Jin, việc mua lại với giá nào là một mấu chốt quan trọng quyết định thành công của VAMC khi chuyển nhượng lại khoản nợ xấu này cho các nhà đầu tư khác.
Ngoài việc cơ chế vận hành còn gây nhiều tranh cãi, một nhân tố quan trọng khác ít được đề cập đến nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả của VAMC là nguồn nhân lực.
Điều dễ nhận thấy là tất cả thành viên lãnh đạo của VAMC đều thuộc lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, ở KAMCO, ban lãnh đạo gồm các thành viên đến từ nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Giám sát Tài chính, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và hai đại diện từ ngân hàng. Đặc biệt, còn có 2 chuyên gia bên ngoài làm việc trong các ngành luật, kiểm toán và một giáo sư đại học.
Đội ngũ lãnh đạo của VAMC có thể có nhiều kinh nghiệm về tài chính, nhưng trên thực tế, việc xử lý nợ xấu còn bao gồm tái cấu trúc nợ, tái cấu trúc hoạt động công ty đang gánh nợ hay đánh giá lại giá trị các khoản nợ để chuyển nhượng cho bên thứ ba. Những việc này không những đòi hỏi kỹ năng quản trị tài chính mà còn kỹ năng quản trị doanh nghiệp, luật và thậm chí so sánh và áp dụng các lý thuyết kinh tế, tài chính phức tạp vào thực tế.
Do đó, đội ngũ nhân lực đang là một điểm khá yếu của VAMC. Theo ông Yun Hang Jin, nhân sự cấp cao của VAMC chính là vấn đề cốt lõi làm nên thành công của quá trình tái cơ cấu.
"Tôi được biết Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ gửi nhân sự cao cấp sang Hàn Quốc cũng như các nước khác để học hỏi kinh nghiệm tái cơ cấu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Chính phủ nên mời thêm chuyên gia nước ngoài và trong nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Như vậy, khả năng thành công sẽ cao hơn", ông nói.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư