Thứ Bảy | 10/05/2014 09:46

VAMC thừa nhận khó khăn xử lý nợ xấu

Một trong những khó khăn là thiếu thị trường mua bán nợ xấu.
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đang tiến hành một loạt các biện pháp nhằm giải quyết số nợ xấu hơn 45.000 tỷ đồng đã mua trong năm 2013. Đại diện cơ quan này thừa nhận có nhiều khó khăn mới phát sinh trong xử lý nợ xấu.

d

Thiếu thị trường mua bán

Ông Đào Quang Tính, Phó chánh Thanh tra cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, số liệu chính thức tính đến hết tháng 2, nợ xấu của toàn hệ thống còn 122.000 tỷ đồng (chiếm 3,86%). Nhưng đây chỉ là con số nợ xấu chưa tính gộp các khoản nợ đã được tái cơ cấu. Nếu tính đầy đủ cả các khoản nợ xấu được cơ cấu lại của toàn hệ thống sẽ lên tới gần 308.000 tỷ đồng (chiếm 9,71% tổng dư nợ).

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực VAMC, số nợ mua được đang xử lý dần thông qua việc hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Đến nay, VAMC đã phân loại được tổng nợ xấu 37.681 tỷ đồng, trong đó có 480 khách hàng có số nợ 14.000 tỷ đồng được xem xét bán đấu giá tài sản đảm bảo. Có 145 khách hàng được cơ cấu nợ với số tiền 14.700 tỷ đồng. Có 343 khách hàng buộc phải phát mại tài sản để thu hồi nợ với số tiền 6.800 tỷ đồng.

Dù đã thí điểm bán nợ với 4 loại khách hàng số tiền 1.400 tỷ đồng, tuy nhiên đại diện VAMC phải thừa nhận: nhiều khó khăn, vướng mắc mới trong xử lý nợ xấu đã phát sinh. Cty phải xúc tiến xây dựng danh mục để hình thành thị trường thứ cấp bán nợ xấu trong khi việc này đòi hỏi thời gian, khiến xử lý nợ xấu không thể đẩy nhanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đơn cử: điểm vướng hiện nay, theo Thông tư hướng dẫn về xử lý nợ xấu, quy định VAMC chỉ được xử lý các khoản nợ có giá trị 10 tỷ đồng. Quy định này sẽ khiến VAMC không xử lý được các khoản nợ có giá trị lớn đã mua.

"VAMC đang trao đổi và kiến nghị có sự thay đổi các quy định này, trao cho Cty đủ thẩm quyền để xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong điều kiện Cty đang xúc tiến việc bán nợ cho các tổ chức quốc tế. Nếu không được tạo điều kiện thuận lợi, việc bán tài sản đảm bảo sẽ không được thuận lợi", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, với những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, tổ chức tín dụng vẫn phải tiếp tục trích dự phòng rủi ro 20%/năm trong vòng 5 năm. Vì vậy, khi xử lý những khoản nợ xấu này, cần phải trao đổi với tổ chức tín dụng và phía khách hàng làm sao đi đến thống nhất. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đảm bảo phải có sự đồng thuận của khách hàng với mục đích để làm sao tài sản đảm bảo phát mại được công khai minh bạch, đảm bảo hiệu quả và lợi ích các bên.

Quá nhiều rào cản

Theo các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu hiện nay chậm một phần do các nhà đầu tư nước ngoài không quá mặn mà bởi e ngại còn nhiều vướng mắc về pháp lý. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) ở Hà Nội phân tích, vướng mắc chính trong việc hút vốn ngoại để xử lý nợ xấu do liên quan đến thế chấp quyền sử dụng đất.
“Việc trích dự phòng để đảm bảo an toàn, theo quy định hiện nay, thực chất là hình thức ngân hàng tự tích tiền để xử lý nợ cho chính mình trong trường hợp VAMC ôm nợ nhưng không xử lý được sau 5 năm”. Luật sư Trương Thanh Đức


Theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Đất đai sửa đổi, chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động tại Việt Nam mới được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay DN nước ngoài đều không được phép nhận thế chấp. Quy định này là rào cản loại các tổ chức tín dụng ngoại tham gia vào mua nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Rào cản lớn nữa chính là vướng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Theo quy định, để tham gia hoạt động kinh doanh BĐS, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và không được phép trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh BĐS cũng như không được phép chuyển nhượng lại đất.

Vấn đề gai góc nhất trong xử lý nợ xấu, theo ông Hùng, chính là thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa được hình thành một cách hoàn chỉnh. Đến nay, vẫn chưa có một hệ thống trung tâm quản lý thông tin về nợ xấu (bao gồm cả thông tin liên quan đến DN nợ, tài sản đảm bảo, lịch sử thu hồi nợ, lịch sử giao dịch). Cùng đó là sự thiếu vắng các quy định về công bố thông tin cho phép các nhà đầu tư dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận các thông tin về nợ xấu…

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Trương Thanh Đức, Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nếu chỉ sử dụng VAMC như một biện pháp hỗ trợ vốn (thông qua cấp trái phiếu đặc biệt) hoặc giãn trả nợ thì rất khó xử lý được nợ xấu. Cần giải quyết một cách thực tế hơn. Phải có cơ chế thanh lý hàng thế chấp của các ngân hàng bằng cách ai mua sẽ phải "lời ăn, lỗ chịu".

Một chuyên gia pháp chế của NHTMCP cho rằng, việc cơ cấu lại nợ phải gắn với tình hình tài chính của ngân hàng. Nhưng hiện nhiều ngân hàng vẫn phải trích lập theo quy định trong khi tình hình hoạt động khó khăn. Điểm cần quan tâm với hoạt động hiện nay của VAMC đó là quản lý thu nợ. "Bộ máy thu nợ của VAMC có đủ sức thực hiện với tất cả các khâu từ thu, chuyển… đối với các khoản nợ hay không. Cùng đó cần những quy định cụ thể hơn trong việc mua bán nợ, tránh tình trạng nợ nằm đó, không xử lý được", vị này cho biết.

Nguồn Tiền Phong


Sự kiện