Thứ Sáu | 11/10/2013 21:19

VAMC mua thêm 1.300 tỷ nợ xấu của SCB

Sau 2 đợt, SCB đã bán được 1.800 tỷ, đưa tỷ lệ các khoản vay kém chất lượng về 3%.
Sáng ngày 11/10, Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã ký kết hợp đồng mua bán nợ xấu đợt 2. Một lãnh đạo của SCB cho biết, giá trị các khoản nợ xấu lần này xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Đây là những khoản nợ của khoảng 30 khách hàng tại SCB. Trước đó, trong đợt một, nhà băng này cũng bán thành công 500 tỷ cho công ty xử lý nợ xấu.

Như vậy, đến nay, SCB cùng với Agribank là hai nhà băng được VAMC mua nợ xấu với giá trị nhiều nhất. Sau 2 đợt, SCB đã xử lý được tổng cộng 1.800 tỷ đồng và đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 3%. Trong khi đó, ngay giao dịch đầu tiên, Agribank cũng đã bán hơn 1.700 tỷ cho công ty này.

Sau đợt ký kết này với SCB, VAMC đã mua được khoảng 3.850 tỷ đồng nợ xấu từ 4 ngân hàng là Agribank, SCB, SHB, PGBank. Dự kiến năm nay VAMC sẽ xử lý được ít nhất 35.000 tỷ đồng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. Ngược lại, các nhà băng có thể sử dụng trái phiếu này để được tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước. Trên thực tế, các bên mới chỉ ký kết nhưng trái phiếu chưa được phát hành, đang chờ Thủ tướng phê duyệt. "Bán được những khoản nợ này, ngân hàng không chỉ dọn dẹp được nợ xấu trên bảng cân đối tài sản mà sẽ có nguồn vốn mới để hoạt động", lãnh đạo cấp cao của một trong các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo một lãnh đạo của Ngân hàng Sài Gòn, nếu không bán nợ cho VAMC, nhà băng vẫn có biện pháp khác để thu hồi tài sản. Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý về xử lý, tố tục tài sản đảm bảo hiện nay khá phức tạp và tốn kém chi phí, thời gian. "Do đó, khi bán nợ cho VAMC, việc xử lý tài sản kẹt chỗ nào có tiếng nói của VAMC sẽ thúc đẩy tiến trình vì họ được trao công cụ, quyền năng mạnh hơn", vị này cho biết.

SCB cũng chính là trường hợp tái cơ cấu đầu tiên của hệ thống ngân hàng. Đầu năm 2012, SCB chính thức đi vào hoạt động sau khi được hợp nhất từ 3 đơn vị là: Ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa.

Nguồn vnexpress


Sự kiện