VAMC mua nợ hay mua thời gian?
Để đẩy nhanh tiến độ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm, VAMC đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm, với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương… để đem đi chào bán.
Mặc dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa có khoản nợ xấu nào được bán ra. Nguyên nhân được cho là những vướng mắc về cơ chế, chính sách và vấn đề định giá các khoản nợ xấu.
Thông thường các khoản nợ xấu được mua với giá rẻ sau đó mới dễ dàng bán lại. Trong khi đó, VAMC đã mua nợ xấu của các ngân hàng với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10% nên để bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài không hẳn dễ.
Hơn nữa, xét những khoản nợ xấu mà VAMC thời gian qua với giá trị khoảng 80-90%, thì đây có thể nói là tài sản bình thường. Với mức giá hiện hữu, dù có được phép tham gia thị trường thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải xem xét kỹ trước khi mua
Nhưng nếu VAMC chấp nhận bán lỗ sẽ vấp phải phản ứng từ người dân, nhà đầu tư trong nước, thậm chí từ chính ngân hàng. Nói như tổng giám đốc của một ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu thì nếu VAMC mua 5 bán 4 thì khoản chênh lệch lỗ đó ngân hàng phải chịu. Rồi tài sản của ngân hàng cũng là tài sản của người dân, của doanh nghiệp trong nước. Một khi quá thiệt thòi, họ sẽ tìm cách khác để thương thảo thay vì "đem con bỏ chợ".
Với những dữ kiện trên, thị trường bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng: VAMC sẽ làm được gì với những khoản nợ đã mua? Vì theo nguyên tắc, sau 5 năm, nếu VAMC không xử lý được hết khoản nợ mua vào thì có thể đem trả lại cho ngân hàng để thu về trái phiếu.
Nếu nhìn vào quá trình xử lý nợ xấu của VAMC lúc này có thể hình dung đơn vị này đang mua thời gian, tức giãn thời gian nắm giữ nợ của các ngân hàng hơn là mục tiêu xử lý triệt để nợ xấu.
Giả thiết này đang được củng cố bởi 2 yếu tố: VAMC hoạt động đã được hơn 1 năm, đã mua khối lượng nợ xấu rất lớn từ các ngân hàng, với hơn 50.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm và dự kiến sẽ đạt con số 70.000 tỷ đồng năm nay. Theo một nguồn tin, hiện giữa VAMC và NHNN chưa thống nhất được một số vấn đề nên NHNN chưa giải quyết tái cấp vốn cho những khoản trái phiếu của VAMC.
Trong khi chưa có dấu hiệu tích cực nào từ việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua vào thì điểm tựa duy nhất của VAMC là bán nợ cho nước ngoài cũng đang bị chặn lại bởi quy định về sở hữu của Luật đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyên tắc của xử lý nợ xấu là càng xử lý nhanh càng giảm thua lỗ. Bởi ở giai đoạn thị trường đi xuống, mọi người thường cố gắng bán tháo tài sản khiến thị trường càng xuống nhanh hơn. Ngay cả khi thị trường có dấu hiệu đi lên, nhưng nếu không xử lý, sẽ có nguy cơ tạo thành đáy thứ hai và đáy đó sẽ nguy hiểm hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng bức xúc cho rằng: Rõ ràng có rất nhiều cách để giải quyết nhanh nợ xấu, nhưng không hiểu sao tại chúng ta gặp nhiều vấn đề.
Theo vị này, tại Mỹ và Hàn Quốc, để xử lý nợ xấu, chính phủ các nước ủy quyền cho một tổ chức tài chính độc lập, thậm chí là ngân hàng Trung ương để giải quyết. Ví dụ, Ngân hàng Trung Ương họ đưa ra 1 tỷ USD đổi lấy một khối tài sản nợ ngang bằng (số nợ xấu hiện hữu có giá trị khoảng 1 tỷ USD).
Hai năm sau khi cấp vốn tổ chức này sẽ rút khoản tiền này ra theo 2 hình thức. Một là đổi số tiền góp trước đây lấy cổ phần (nếu trường hợp ngân hàng đó đã phát triển tốt). Hai là tìm đối tác khác để chuyển nhượng lại tài sản và thu tiền mặt về.
Hình thức bán tài sản của họ cũng rất đơn giản. Ví dụ, tổ chức quản lý chia nhỏ nhóm nợ để rao bán, trung bình có thể là 300 triệu USD một khoản nợ chắc chắn sẽ có nhà đầu tư sẵn sàng mua lại. Thậm chí, chính ngân hàng đó sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp có thể mua lại khoản nợ của mình một cách dễ dàng.
Ở Việt Nam, NHNN và VAMC cũng có thể làm được những việc trên nhưng vướng ở chỗ các nhà đầu tư trong nước nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế. Nguồn tiền trong nước không còn lớn để có thể bung ra mua lại những khoản nợ xấu, cổ phần được chào bán. Do đó, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp một phần đẩy nhanh tiến độ mua - bán nợ.
Mặt khác, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chuyên nghiệp cao nên sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường mua- bán nợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bế tắc vì họ không biết sẽ tham gia mua lại nợ như thế nào. Vì thực tế, việc mua - bán nợ đằng sau nó thực chất là bất động sản, liên quan đến dự thảo Luật đất đai, mà Luật thì chưa biết có hay không cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam.
Rõ ràng đối với nhà đầu tư nước ngoài, khả năng bán nợ xấu đang bị chặn lại bởi quy định về sở hữu bất động sản của người nước ngoài ở Việt Nam. Mặc dù nội dung này đang được lấy ý kiến trong Luật đất đai sửa đổi, nhưng theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN: rất khó có thể kỳ vọng được việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian sớm.
Có lẽ vì thế mà bấy lâu nay, cả người bán lẫn người mua nợ xấu cứ loay hoay xử lý nội bộ và giậm chân tại chỗ khiến cho nợ xấu càng… xấu thêm.
Nguồn Bizlive