Thứ Ba | 01/07/2014 10:01

VAMC mua được hơn 11.400 tỷ nợ xấu 6 tháng qua

Tính từ khi bắt đầu mua nợ ngày 11/10/2013 đến nay, tổng nợ xấu VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng 50.721 tỷ đồng.
Kể từ khi thành lập vào tháng 7 năm ngoái đến nay, hoạt động mua bán nợ của Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Song vấn đề dư luận đang quan tâm là đầu ra của nợ xấu trong khi cơ chế cho Công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam chưa thực sự đủ mạnh. Vậy cơ quan này sẽ có giải pháp như thế nào để đẩy mạnh việc giải quyết nợ xấu?

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết kết quả hoạt động nổi bật của VAMC trong 6 tháng đầu năm nay, và tính đến thời điểm này, VAMC đã xử lý số nợ đã mua được đến đâu?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã mua được 11.414 tỷ nợ gốc. Tính từ khi mua nợ từ ngày 11/10/2013 đến nay, tổng nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng 50.721 tỷ đồng. Với số lượng đó, chúng tôi tiếp tục tiến hành phân loại nợ và tổ chức xử lý bằng nhiều biện pháp: Thứ nhất, phối hợp cùng với các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ gốc và lãi những khoản nợ xấu cộng với cả bán tài sản. Đồng thời, chúng tôi cũng đã bán và thu hồi được nợ là 996 tỷ đồng. Bên cạnh việc thu hồi nợ, chúng tôi đã tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Kết quả đến nay, đã cơ cấu được cho 112 khách hàng với số tiền là 9.071 tỷ đồng.

PV: Trong quá trình hoạt động của mình, VAMC đã gặp những thuận lợi khó khăn gì nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Kể từ khi thành lập đến nay, thuận lợi lớn nhất là chúng tôi được các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện tháo gỡ cho VAMC những vướng mắc mà có thể xử lý được. Bên cạnh những thuận lợi đó, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là cơ chế tài chính, cơ chế tiền lương của VAMC chưa được rõ ràng. Khó khăn nhất chính là vấn đề xử lý tài sản đảm bảo, khoản nợ xấu mua được bằng trái phiếu đặc biệt. Khi xử lý tài sản đảm bảo phải được sự đồng thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Vấn đề rất khó trong việc định giá tài sản như thế nào cho phù hợp.

PV: Xuất phát từ những thực tế như ông vừa cho biết, hiện nay VAMC đang tích cực triển khai những biện pháp gì để thực hiện thành công Đề án mua bán nợ theo giá và nguyên tắc thị trường đối với các đơn vị bán nợ, đồng thời đảm bảo mục tiêu mà VAMC phấn đấu trong năm 2014 là bán và thu nợ được khoảng 2.500 tỷ đồng?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Mục tiêu bán và xử lý khoản 2.500 tỷ đồng chắc là đạt được. Tuy nhiên, để thực hiện được thông thoáng và xử lý nhanh nhạy hơn, vượt mức đề ra, hiện nay chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến quy định tại Nghị định 53. Có vấn đề gì kiến nghị với Chính phủ đề nghị sửa đổi bổ sung, đặc biệt là đối với Thông tư 19 và nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể để triển khai mua nợ xấu và xử lý nợ thì sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục xác định nhiệm vụ của mình là bằng mọi biện pháp mua nợ xấu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, có chất lượng nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tổ chức cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cho các tổ chức tín dụng và xử lý những khoản nợ này để làm sao với mục đích của mình là mua nợ xấu về VAMC nhưng mà có thể xử lý những khoản nợ xấu này thông qua việc tái cấu trúc các doanh nghiệp.

PV: Được biết, hiện VAMC đã xây dựng danh mục chào bán 10 tài sản bảo đảm với tổng giá trị khoảng 7.800 tỉ đồng gồm: Các dự án cao ốc văn phòng, chung cư, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương. Vậy đến thời điểm này, các công việc trên đã được VAMC triển khai đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Hiện nay, chúng tôi đã triển khai và các dự án vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh những thông số kỹ thuật để giới thiệu với các nhà đầu tư, và cũng đã có nhà đầu tư quan tâm trả giá. Tuy nhiên, ở góc độ là các nhà đầu tư đang trả, tôi nghĩ là đang thăm dò. Chính vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu những quy định về pháp luật của mình sao cho phù hợp, thỏa thuận được với các tổ chức tín dụng, với các doanh nghiệp và thống nhất bán được thì phải có điều kiện quy định kèm theo để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được nợ. Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục phân loại và cũng đã và sẽ tiếp cận với các nhà đầu tư./.
PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn VOV


Sự kiện