Thứ Hai | 18/08/2014 10:13

VAMC 'hụt hơi' xử lý nợ xấu: Người trong cuộc nói gì?

Tính đến thời điểm này VAMC đã mua được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng, số nợ xấu bán ra chỉ được khoảng 1.400 tỷ.
Xung quanh những hạn chế của Công ty mua bán nợ Quốc gia (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu thời gian qua, Chủ tịch HĐQT VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến thời điểm này VAMC đã mua được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ chức tín dụng, số nợ xấu bán ra còn khiêm tốn, chỉ được khoảng 1.400 tỷ.

"Tất cả các khoản nợ xấu, kể cả những ngân hàng có nợ xấu dưới 3%, trên 3% hay 10% VAMC đều đã mua với điều kiện các khoản nợ đó phải đảm bảo điều kiện quy định tại Nghị định 53", ông Hùng thông tin.- Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến nợ xấu của Việt Nam, xong chỉ 'đứng nhìn' mà chưa thấy có động thái cụ thể nào. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, thưa ông?

Đúng là hiện nay rất nhiều các dự án đang dở dang được nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm. Cũng đã có đối tác đặt vấn đề với chúng tôi mua 100 tỷ, 150 tỷ, nhưng triển khai thế nào lại không dễ dàng. Nó liên quan đến luật đầu tư nước ngoài, rồi luật sở hữu đất đai… Những cái này còn vướng, rất khó để bán nợ xấu ra ngoài.

Hơn nữa, bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng phải yêu cầu họ có phương án tái cấu trúc lại doanh nghiệp như thế nào, phải kế thừa các khoản nợ đó ra sao, có phương án gì để phát triển doanh nghiệp đó lên, không làm ảnh hưởng đến đời sống CBCNV, không để doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Chứ nếu nước ngoài họ mua vào xong họ để đấy, đợi đến khi giá lên mới bán thì như vậy cũng không nên bán.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi xem xét họ quan tâm đến lĩnh vực gì? Quan tâm thật không? Chứ nếu họ chỉ vào môi giới lung tung thì mình chết.- Nhiều người đang tỏ ra khá sốt ruột khi số nợ xấu mà VAMC rốt ráo mua về thời gian qua vẫn 'để đấy', không tìm được đầu ra, thưa ông?

Bán nợ xấu phải phù hợp với thị trường, không phải cứ đắt rẻ gì cũng bán đổ bán tháo đi. Chúng tôi tính toán bán nợ xấu làm sao phải đảm bảo lợi ích cho tổ chức tín dụng, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế thì mới bán.

Cần phải đặt ra vấn đề là mua được nợ, có nhất thiết phải xử lý nợ ngay hay không? Thực tế, xử lý trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì cũng không dễ. Nếu bán ra nước ngoài, cũng phải xem xét phù hợp với thị trường, nếu không cẩn thận thì còn ảnh hưởng đến nền kinh tế.- Theo kinh nghiệm của ông, trong quá trình mua bán, xử lý nợ xấu cần quan tâm đến những yếu tố nào?

Trong quá trình mua bán, xử lý nợ, vấn đề uy tín thương hiệu của doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu chúng ta không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình xử lý về sau này nữa.
Việc xử lý nợ xấu phải xác định quyền lợi của nền kinh tế trước. Nợ xấu xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải nói nó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Đâu phải mình ngân hàng gây ra nợ xấu mà do cả doanh nghiệp, do kinh tế suy thoái… Vậy mình cần phải tìm ra những giải pháp để giải quyết hữu hiệu nhất, ít thiệt hại nhất.

Việc 'đẻ' ra VAMC cũng là một giải pháp để bảo vệ lợi ích cho nền kinh tế. Cho nên phải xác định, đây là một quyết định hết sức sáng suốt, đặc biệt là trong điều kiện thành lập công ty nhưng không phải sử dụng vốn ngân sách. Trong điều kiện đó mà đến giờ phút này VAMC đã xử lý được 55.000 tỷ đồng nợ xấu, đó là thành công rồi.- Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia cũng như các ngân hàng thì VAMC chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng khi thành lập, thưa ông?

Tôi cho rằng VAMC ra đời, không có một đồng vốn ngân sách nào nhưng đã xử lý được đống nợ xấu gần 55.000 tỷ đồng là một sự thành công. Rõ ràng, qua VAMC, nhà nước đã xử lý được nợ xấu mà không cần đến ngân sách. Nếu xử lý một cách uyển chuyển trong điều kiện của Việt Nam thì cái phần bị mất đi trong thời gian suy thoái có thể giữ lại được đối với nền kinh tế, đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Hiện nay tất cả các khoản nợ xấu VAMC mua đều có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo đó phần lớn là bất động sản, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ… Khi mua xong, VAMC sẽ phân loại, khoản nào cần xử lý ngay sẽ phải xử lý ngay, ví dụ máy móc thiết bị để lâu sẽ hỏng thì phải bán ngay để hạn chế thiệt hại, rủi ro.

Bên cạnh đó, nếu trong quá trình phân loại nợ mà thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì cũng phải xem xét để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tiếp, phục hồi lại.

Thêm nữa, khi phát mại tài sản liên quan đến doanh nghiệp, đến dự án thì mình phải rà soát lại, tất cả các dự án đó đang thiếu vốn thế nào, thiếu ở đâu, suất đầu tư thế nào… Rà soát lại tất cả những cái đó để có sự đầu tư cho hợp lý.

Muốn làm được như vậy thì phải có thời gian. Với VAMC, thời gian một năm qua là quá ít để làm được tất cả những điều đó theo kỳ vọng của xã hội.- Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ thời gian qua VAMC hoạt động chưa hiệu quả là do thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa hoàn thiện, VAMC chưa có cơ chế hoạt động ổn định, đặc biệt còn quá ít vốn để xử lý được khối nợ xấu khổng lồ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đúng là VAMC còn đang gặp một số khó khăn như vậy và đang được tháo gỡ dần dần. Đến thời điểm này, cơ chế hoạt động của VAMC đã hoàn thiện cơ bản song vẫn có những bất cập phải sửa đổi, hoàn thiện dần. Hiện chúng tôi đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, nhưng vì còn là dạng đề xuất nên chưa thông tin cụ thể được.

Trong quá trình làm, VAMC sẽ tiếp tục kiến nghị một số điều khoản sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhất với thực tiễn, có hiệu quả nhất cho nền kinh tế. Hy vọng sau khi hoàn chỉnh về cơ chế, đặc biệt là cơ cấu nhân sự của VAMC ổn định hơn thì việc xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn.

Nguồn VTC


Sự kiện