Thứ Hai | 29/07/2013 08:13

VAMC có thể vay vốn ở nhiều tổ chức quốc tế

Theo Tổng Giám đốc VAMC, khá nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến VAMC, một số tổ chức đã gặp gỡ, còn một số đang lên lịch làm việc.
Ngày 26/7 vừa qua, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã chính thức khai trương hoạt động.

Theo Nghị định 53 và dự thảo thông tư hoạt động của VAMC, dự kiến công ty sẽ đi vào hoạt động với vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng lại được kỳ vọng xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Trước lo ngại số vốn điều lệ quá nhỏ so với khối lượng nợ xấu phải xử lý, trả lời Đầu tư chứng khoán cuối tuần qua, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho biết, ngoài huy động vốn từ trái phiếu đặc biệt, VAMC còn có thể vay vốn ở nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khác.

"Có khá nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến VAMC, một số tổ chức đã gặp gỡ, còn một số đang lên lịch làm việc", ông Thủy cho biết.

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Hải quan ngày 11/6, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong trường hợp số nợ xấu cao hơn dự kiến, phương án đưa ra là Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm vốn cho VAMC để tăng trái phiếu đặc biệt lên hoặc sẽ tái cấp vốn trực tiếp, cho ngân hàng thương mại vay với kỳ hạn tương đối dài, ví dụ 3 năm và xử lý nợ xấu đến đâu sẽ giải ngân đến đó.

Như vậy, tùy thuộc vào quá trình hoạt động, VAMC có thể sẽ được vay thêm vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước hoặc được cấp bổ sung thêm vốn từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trong dự thảo thông tư về VAMC mới đây, công ty này ngoài mua nợ xấu còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) và được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%. Theo đó, với quy định tỷ lệ công ty được hưởng là 2% tương ứng với mức thu là 320 - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 - 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm.

Đánh giá về tác động của VAMC tới nền kinh tế cũng có những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng VAMC sẽ giải quyết "cục máu đông" nợ xấu đang gây tắc nghẽn tín dụng và là "bước đi tích cực nhất từ trước đến nay trong việc vực dậy nền kinh tế Việt Nam", theo JP Morgan. Trong khi đó, một số tổ chức khác lại cho rằng, VAMC khó giải quyết triệt để vấn đề chất lượng tài sản của các ngân hàng nếu không có sự cải thiện đáng kể chính sách điều tiết.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện