Vai trò của tham tán thương mại đối với xuất khẩu
Ghi nhận những đóng góp lớn của các tham tán trong việc phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu, nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng lưu ý hoạt động thương vụ còn có những hạn chế, như chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; quan hệ với doanh nghiệp nước sở tại và trong nước chưa gắn kết; chưa nắm bắt đầy đủ cơ hội, thách thức hội nhập… Điển hình là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và ASEAN chưa được khai thác tốt.
Trong khi đó, thương mại thế giới đang có xu hướng quay trở lại bảo hộ mậu dịch với mật độ cao, khiến khả năng cạnh tranh mở rộng thị trường gặp không ít khó khăn, gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, thời gian tới, các thương vụ cần đẩy mạnh tìm hiểu, khai thác thị trường nước sở tại để công tác tư vấn, tham mưu chính sách được đúng tầm; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường...
Một trong những giải pháp giúp tăng trưởng xuất khẩu cho khối doanh nghiệp nước ngoài, đó là đội ngũ đại sứ và tham tán thương mại đã làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp những thông tin về thu hút đầu tư của Việt Nam cho đối tác, nên khối doanh nghiệp nước ngoài ngày càng sang Việt Nam sản xuất, kinh doanh nhiều.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, đối với những nước chưa có đơn vị xúc tiến đầu tư thì vai trò của các tham tán thương mại, các sứ quán, các lãnh sự ở các nước sẽ bao quát tất cả các lĩnh vực mà người nước ngoài cần đầu tư vào Việt Nam, trong khi nhu cầu nền kinh tế của chúng ta có.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật bản thì Myanmar là thị trường mới nổi ở khu vực châu Á- Thái Bình dương. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh tới 40%/năm. Theo Tham tán thương mại tại Myanmar Vũ Cường, khi Myanmar mở cửa thị trường thì chưa có doanh nghiệp có thương hiệu chi phối thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường cần xây dựng thương hiệu để đứng vững và tăng trưởng ở thị trường này.
Trong các thị trường xuất khẩu tiềm năng thì khu vực thị trường EU đã vượt qua thị trường Mỹ, Trung Quốc, ASEAN để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với 27 nước thành viên trên 30 tỷ USD. Các sản phẩm truyền thống dệt may, da giày, thủy sản, nông sản vẫn có mức xuất khẩu khá.
Tuy nhiên, các nước trong khu vực châu Âu vẫn phải thực hiện các chương trình kinh tế khắc khổ, thắt chặt chi tiêu; tiêu chuẩn hàng hóa vào các thị trường này cũng khắt khe hơn, cao hơn và chính sách bảo hộ sản xuất nội khối là rào cản thương mại cho hàng hóa của nước ta vào thị trường này. Thương vụ đã hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết khiếu nại, vướng mắc, đồng thời dự báo chính xác nguy cơ và nhận định những tác động xấu có thể xảy ra với xuất khẩu của Việt nam.
Tham tán thương mại tại khu vực EU - Bỉ Vũ Bá Phúc cho biết, các doanh nghiệp nên lưu ý, trong điều kiện tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều nước vẫn thắt chặt chi tiêu, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nên chuyển từ cạnh tranh giá rẻ, sang cạnh tranh về chất lượng. Và doanh nghiệp Việt Nam có thể sang thị trường EU đầu tư sản xuất tại nước họ để giảm chi phí. Hiện các nước này cũng đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.
Năm 2014, trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn cả về chính trị lẫn kinh tế, đòi hỏi sự năng động, linh hoạt hơn nữa đối với đội ngũ tham tán thương mại tại nước ngoài. Hàng hóa Việt Nam có tỏa sáng ở thị trường nước ngoài hay không là nhờ trọng trách to lớn của mỗi tham tán thương mại - cầu nối hàng hóa từ nước ta sang các thị trường khu vực.
Nguồn NDH