Vai trò của giải pháp hóa nông trong nông nghiệp
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của toàn nền kinh tế, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,8% trong 9 tháng đầu năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Tuy nhiên, người nông dân ngày càng phải đối phó nhiều hơn với một loạt các yếu tố phức tạp bao gồm cỏ dại, côn trùng và bệnh, ngoài việc cân bằng các mối quan tâm về thời tiết, chất lượng hạt giống, quản lý nước, thành phần đất và yêu cầu dinh dưỡng. Cây trồng phải cạnh tranh dưỡng chất và ánh sáng với 30.000 loại cỏ dại khác nhau, 10.000 loại côn trùng, cũng như một loạt các bệnh do nấm, vi khuẩn và vi rút gây ra.
Thành quả về sản lượng trong thời gian qua là nhờ sự kết hợp của những hạt giống tốt hơn, giải pháp bảo vệ thực vật (BVTV) mới, phân bón và công nghệ canh tác tiên tiến. Trong đó, thuốc BVTV đóng góp trong việc bảo vệ mùa màng trước dịch bệnh, côn trùng và cỏ dại. Hàng năm ước tính 40% sản lượng trồng trọt trên toàn thế giới bị mất do các yếu tố trên, mất mát có thể tăng gấp đôi nếu thiếu các biện pháp bảo vệ, gây hậu quả nghiêm trọng đến nguồn cung và giá cả lương thực. Điều này cũng hàm ý rằng những cải tiến hơn về thuốc BVTV có thể tăng thêm lượng lương thực thu được mà không gây thêm áp lực về quỹ đất vốn giới hạn.
Thuốc BVTV giúp bảo vệ mùa màng trước dịch bệnh, côn trùng và cỏ dại |
“Thuốc BVTV với cây trồng cần thiết giống như thuốc cho người, cho thú y”, TS Nguyễn Kim Vân nhận xét. Trình độ người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu về chất lượng của an toàn nông sản được chú trọng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ý thức việc nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm chất lượng. “Bằng không họ sẽ bị loại thải”, TS Vân nói.
Sản phẩm bảo vệ mùa màng chỉ được sử dụng sau khi tiến hành những thử nghiệm rộng rãi nhằm đảm bảo chúng thực hiện đúng chức năng mà không gây ra những rủi ro không lường trước được cho con người, động vật hoang dã và môi trường. Chỉ một hoặc hai sản phẩm trong mỗi 150.000 hợp chất được sàng lọc qua được quy trình kiểm tra để được thương mại hoá hoàn toàn. Trung bình, mất 10-14 năm phát triển và hơn 250 triệu Euro để đưa một sản phẩm mới ra thị trường.
Thuốc BVTV phải trải qua một quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi ra mắt thị trường |
“Các công cụ bảo vệ cây trồng là một trong những sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ nhất hiện nay. Những quy định này được thiết lập để đảm bảo các sản phẩm có thể được sử dụng mà không gây hại cho con người, động vật hoang dã và môi trường.”, ông Bùi Văn Kịp, Giám đốc Kỹ thuật và Đăng ký sản phẩm của Bayer Việt Nam nhận định.
Thực tế, thuốc BVTV là một vật tư không thể thiếu trong nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng cao của cộng đồng. Theo ước tính của Hiệp hội bảo vệ cây trồng châu Âu, thuốc BVTV giúp năng suất trồng trọt tăng trưởng bền vững, cụ thể, các phương pháp bảo vệ cây trồng giúp tăng 20-50% sản lượng rau và cây ăn quả, 60-70% đối với ngũ cốc và 75% năng suất của khoai tây.
Nếu đột ngột cắt bỏ nhiều loại thuốc BVTV, nông dân sẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đó, chi phí giá thành sản xuất sẽ tăng mạnh vì phải áp dụng các biện pháp trừ cỏ, trừ sâu bệnh khác như làm cỏ thủ công, sử dụng phân bón sinh học hoặc phải chấp nhận giảm năng suất, giảm sản lượng nông sản.
Nông dân sẽ là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu đột ngột cắt giảm thuốc BVTV |
Mặt khác, việc cắt bỏ thuốc BVTV vì có quá nhiều tên thuốc được lưu hành không giải quyết triệt để vấn đề, vì tình trạng ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc BVTV trên nông sản không phải vì do có quá nhiều tên thuốc được lưu hành mà phần lớn là do việc sử dụng sai quy cách.
Các cơ quan chức năng cần tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên sâu với các bên hữu quan trong và ngoài nước, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học với những quy chuẩn và phương pháp được quốc tế công nhận trong quá trình rà soát các sản phẩm thuốc BVTV. Đồng thời, cần có một lộ trình cụ thể và phù hợp triển khai quá trình rà soát này nhằm đảm bảo người nông dân tiếp tục được sử dụng công cụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.