Thứ Năm | 16/07/2015 14:18

Vải thiều Việt Nam và cơ hội ở những thị trường mới

Việc được chào đón tại thị trường Mỹ và Úc đang mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người trồng vải thiều.

Thị trường tiêu thụ hàng nông sản chính của Việt Nam là Trung Quốc nên nhiều vùng trồng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là quả vải thiều, nhiều lúc bị các thương lái Trung Quốc ép giá và rơi vào thua lỗ nếu các thương lái Trung Quốc dừng mua. Giờ đây là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam tính tới giải pháp tiến ra thị trường mới, giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Cứ đến mùa vải nhiều công nhân ở các tỉnh phía Bắc phải cẩn thận phân loại và lựa những quả vải to- loại I để xuất sang Trung Quốc. Theo số liệu chính thức có khoảng 60 phần trăm vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Tuy nhiên khi vải thiều Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, điều này gây nên nhiều bất lợi cho người nông dân. Trước tình hình đó Việt Nam đang chuyển hướng đến những thị trường mới trên thế giới. Trong năm nay lần đầu tiên vải Việt Nam đã xuất hiện tại thị trường Úc và Mỹ.

Một chuyên gia phát biểu: "Tuy khối lượng xuất khẩu sang Úc và Mỹ chỉ mới đạt toàn bộ là 35 tấn nhưng đây là một bước tiến quan trọng cho sự phát triển hàng nông sản Việt Nam vươn ra thế giới".

Ông Mai Xuân Thìn - giám đốc điều hành của Công ty TNHH Rồng Đỏ phát biểu:”Việt Nam có thể có một bước đột phá thực sự về xuất khẩu vải thiều trong những năm tới", nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm của Mỹ và Úc.

Phản hồi tích cực từ thị trường mới

Nhà nhập khẩu người Úc Alex Alexopoulos cho biết có nhiều lý do để mua vải thiều từ Việt Nam để chuyển đến thành phố Melbourne. Ông Alex cho biết:”Vận chuyển trái cây từ Việt Nam bằng đường hàng không nhanh hơn việc phải vận chuyển sản phẩm bằng xe tải từ vùng phía Nam nước Úc, vốn mất bốn ngày mới tới nơi. Vì vậy vải của Việt Nam sẽ tươi hơn khi đến Melbourne và đó là mối quan tâm chính của chúng tôi”.

Ông Robert Guillermo, chuyên gia kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cũng đưa ra nhận xét tích cực về trái cây Việt Nam: "Trên thang điểm 10 thì tôi chấm cho Việt Nam 8 điểm. Người Việt Nam rất tích cực lắng nghe những đóng góp của chúng tôi".

Hiện nay kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang đứng thứ tám tại châu Á, trong đó các nước đang dẫn đầu là Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Xuất khẩu trái cây của Việt Nam ra thế giới đã không ngừng tăng lên trong các năm qua, kể từ  622 triệu USD trong năm 2011 đến 1,4 tỷ USD trong năm 2014.

Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu xuất khẩu tăng gấp mười lần trong những năm tới, ưu tiên các loại cây như nhãn, thanh long và vải thiều.

Ông Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Việc tìm các thị trường mới cho hàng hóa nông sản sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam cần phải đa dạng thị trường xuất khẩu của mình để chủ động hơn và để đạt nhiều lợi ích kinh tế hơn nữa".

Ngoài ra, việc tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho người nông dân Việt Nam. Ông cho biết thêm “Việt Nam sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh rất mạnh mẽ về chất lượng lẫn giá cả. Đây sẽ là một thử thách lớn”.

Cơ hội mang lại thu nhập cao cho người nông dân

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau Nhập khẩu 2, cho biết hàng xuất khẩu sang Mỹ và Úc được bán với giá cao hơn khoảng 20% so với giá thông thường. Ông cho biết thêm: "So với năm ngoái thì nhìn chung năm nay giá cả cao và ổn định, nông dân cũng phấn khởi hơn".

Bà Nguyễn Thị Nghi ở tỉnh Thanh Hóa đang hy vọng có thể tăng gấp đôi thu nhập thông qua bán vải ra thị trường Úc. Người nông dân 56 tuổi này cho biết: "Hiện nay mỗi năm gia đình tôi kiếm được khoảng 20 triệu đồng. Và bây giờ khi mở rộng ra các thị trường mới thì chúng tôi hy vọng có thể tăng thu nhập lên 50-60 triệu mỗi năm".

Bà Nguyễn Thị Nữ ở tỉnh Hải Dương thì cho biết chìa khóa để tạo ra sự hài lòng cho những khách hàng nước ngoài là việc không dùng thuốc trừ sâu. "Tôi không bao giờ sử dụng hóa chất," bà nói. "Khí hậu ở tỉnh Hải Dương phù hợp cho quả vải và nhiều người đến từ khắp nơi để mua vải của chúng tôi".

Đinh Hạnh

Nguồn AFP