VAFI tiếp tục kiến nghị áp thuế VAT 10% với vàng miếng, vàng trang sức
Theo đề xuất, để bảo vệ quyền lợi của người dân có vàng thì nhà nước sẽ không thu thuế VAT khi người dân bán vàng.
VAFI cho biết, Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất phải đánh thuế VAT cho hoạt động kinh doanh vàng, đề xuất này được NHNN đồng ý và kiến nghị với Bộ Tài chính nhưng Bộ Tài chính không đồng ý.
Về đề xuất này, VAFI cho biết đã tham khảo kinh nghiệm thế giới và thấy rằng hầu như không có quốc gia nào có chính sách miễn thuế với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Chính vì không có thuế nên không có rào cản và tạo ra hoạt động đầu cơ mạnh.
Bên cạnh đó, VAFI cũng cho rằng, nếu áp dụng thuế VAT cho hoạt động kinh doanh vàng, sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng và đây là cơ sở quan trọng để giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động.
Đánh giá về hoạt động đấu thầu vàng miếng mà NHNN đang thực hiện, VAFI cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết nguồn cung cho các tổ chức tín dụng, chứ không phải là giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế. Hầu như tất cả giải pháp mà NHNN áp dụng từ trước tới nay trong quản lý thị trường vàng đều không có trên thế giới và đều không làm giảm tình trạng vàng hóa.
Trong khi đó, việc đặt mục tiêu "phải làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới" còn có thể gây tác dụng ngược khi làm nảy sinh đầu cơ mạnh, làm gia tăng dòng vốn chết.
Ngoài ra, VAFI cũng kiến nghị từng bước hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và nhanh chóng hướng tới mục tiêu lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0%.
"Việc đánh thuế VAT lên hoạt động kinh doanh vàng và việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0 sẽ hậu thuẫn rất lớn cho việc đưa lãi suất tiền gửi nội tệ về mức 4 - 5 % /năm. Đồng thời, nếu nhanh chóng áp dụng 2 giải pháp này thì chỉ trong vòng 4 - 5 năm nữa, dự trữ ngoại hối dễ dàng đạt mục tiêu 100 tỷ USD và mục tiêu này là không khó thực hiện", VAFI cho biết.
Nguồn Dân Việt