Thứ Ba | 12/03/2013 17:01

VAFI: Lãi suất cho vay sẽ giảm về 8%/năm nếu mở room lĩnh vực ngân hàng

Nếu cho ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn mua cổ phần đa số của ngân hàng yếu kém, thì sẽ tái cấu trúc tình hình, giảm nợ xấu.
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã công bố Dự thảo Nghị định quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước, trong đó có nội dung cho phép những ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh hoạt động hiệu quả được mua trên 30%/vốn điều lệ đối với những ngân hàng trong nước hoạt động không hiệu quả.

Trước vấn đề này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đánh giá các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam sẽ là những đối tượng chính đầu tư vào ngân hàng trong nước chưa hiệu quả. Nếu thực hiện nhanh giải pháp này trên diện rộng thì toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng được thụ hưởng mức lãi xuất cho vay VND khoảng 8%/năm .

Các cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam
Các cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam

Theo VAFI, nếu cho phép ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn mua cổ phần đa số của ngân hàng yếu kém, thì sẽ có các lợi ích như sẽ có nguồn vốn tự có lớn (khoảng vài trăm triệu USD/ ngân hàng ) bơm thẳng vào ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc tình hình tài chính yếu kém, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh .

Tính thanh khoản của ngân hàng nội được tăng lên nhanh chóng, không còn tình trạng đe dọa mất thanh khoản, không còn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động vượt rào và sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng trong nước có nhiều điều kiện để giảm nhanh mặt bằng lãi xuất huy động.

Đi cùng với việc bơm vốn, phuơng thức quản trị doanh nghiệp sẽ được thay đổi căn bản; sẽ còn ít tình trạng lạm quyền, tình trạng tiêu cực tham nhũng trong công tác quản trị …

Tuy nhiên, VAFI cho rằng, thách thức là các ngân hàng nước ngoài sẽ không đầu tư vào ngân hàng trong nước bằng mọi giá, bởi cái gốc của yếu kém của ngân hàng trong nước là vấn đề quản trị doanh nghiệp, nếu ngân hàng nước ngoài có hỗ trợ vốn thì về cơ bản ngân hàng đó vẫn yếu kém, việc tìm kiếm nhân sự cao cấp trong nước để điều hành ngân hàng yếu kém là vấn đề không đơn giản.

Ngoài ra, khi ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trong nước, họ phải được nắm quyền kiểm soát (theo Luật doanh nghiệp là trên 75%/vốn điều lệ. Đối với những ngân hàng đỡ yếu kém hơn thì tỷ lệ trên có thể giảm xuống nhưng không dưới tỷ lệ 51%/vốn điều lệ). Đồng thời, các ngân hàng nước ngoài cần thẩm định kỹ lưỡng tình trạng nợ xấu để tính toán, có nên mua hay không, có nhận được sự hỗ trợ trong tình trạng ngân hàng nội địa quá yếu kém.

Việc cho các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào ngân hàng trong nước đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn se ngại mở mạnh room. Theo VAFI, nếu room trong lĩnh vực ngân hàng bị bó hẹp thì rất khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược mạnh, đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức, và cũng đồng nghĩa với việc cơ cấu cổ đông nghèo nàn, kém cỏi, chỉ toàn những cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức thụ động và cổ đông gia đình.

Chính cơ cấu cổ đông kiểu này đã không kiểm soát được những cổ đông sáng lập điều hành và từ đó gây ra việc lạm quyền, tham nhũng, không những xâm phạm quyền lợi của người góp vốn mà còn xâm phạm quyền lợi của người gửi tiền, dẫn đến Ngân hàng nhà nước phải ra tay cứu .

Do vậy, VAFI đề xuất các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ về kinh nghiệm thế giới ra khi mở room trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thực hiện chiến lược cải tổ hệ thống.

Nguồn Khampha


Sự kiện