Thứ Ba | 17/06/2014 14:59

Vạch trần "chiến tranh thông tin" của Trung Quốc trên biển Đông

GS Carlyle Thayer chỉ rõ sự vô căn cứ của chiến lược chiến tranh thông tin của Trung Quốc khi gửi tuyên cáo về vụ giàn khoan Hải Dương 981 lên LHQ.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phải) ngăn chặn tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Reuters
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phải) ngăn chặn tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Reuters

Thông cáo mang tên “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981): Sự khiêu khích của Việt Nam và quan điểm của Trung Quốc” được Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Dân gửi Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 9-6. Hành động dường như trái ngược với quan điểm của Bắc Kinh vốn luôn phản đối quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông. Song chỉ cần 1 ngày sau đó, Trung Quốc đã lộ rõ bản chất bất hợp tác của mình khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh thẳng thừng từ chối đề nghị thiện chí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) muốn làm trung gian hòa giải trong vấn đề căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Hành động cực kỳ khó hiểu này khiến giới quan sát không thể đặt câu hỏi: “Vậy tại sao Trung Quốc đưa vấn đề căng thẳng với Việt Nam lên LHQ?”

Năm 2003, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên chính thức đặt ra khái niệm chiến tranh ba mặt trận chính bao gồm tấn công tâm lý, truyền thông và pháp lý. Khái niệm chiến tranh 3 mặt trận này chính là một nhân tố cần thiết của cuộc chiến thông tin.

Theo chuyên gia Timothy A. Walton từ Viện Nghiên cứu, Phân tích, Tư vấn Delex (Úc), việc Trung Quốc gửi tuyên cáo về vụ giàn khoan Hải Dương 981 lên LHQ chính là nước cờ thực hiện cả chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý.

Chiến tranh truyền thông là chiến lược do Bắc Kinh vạch ra nhằm gây ảnh hưởng tới dư luận quốc tế nhằm xây dựng sự ủng hộ đối với Trung Quốc và ngăn cản những hành động trái ngược với lợi ích của Trung Quốc. Với bản tuyên cáo nói trên, mưu đồ chiến tranh truyền thông thể hiện ở chỗ Trung Quốc đang tìm cách đánh vào chính nỗ lực truyền thông của Việt Nam và muốn cô lập Việt Nam trong bối cảnh quốc gia đang phải hứng chịu hàng loạt gây hấn từ Trung Quốc này đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế. Đa số các thành viên của LHQ không có lợi ích trực tiếp trong các vấn đề căng thẳng trên biển Đông. Nhiều quốc gia Đông Nam Á không khỏi quan ngại hành động này của Trung Quốc chính là chiêu trò trốn tránh của Trung Quốc trước sự bất bình của dư luận xung quanh hành động hung hăng của nước này trên biển Đông.

Theo nhà phân tích Walton, chiến tranh pháp lý là chiến lược sử dụng luật pháp Trung Quốc và quốc tế để đòi lợi ích. Ban đầu, Trung Quốc trắng trợn tuyên bố rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng biển nước này (thực tế đó là vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam). Theo lời Bắc Kinh giàn khoan Hải Dương 981 nằm tại khu vực cách bãi đá Tri Tôn 17 hải lý. Việc dùng bãi đã Tri Tôn của Việt Nam làm cơ sở để đặt giàn khoan là hoàn toàn sai trái. Thêm vào đó, theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), lãnh hải chỉ nằm trong khu vực cách đường ranh giới bờ biển 12 hải lý!

Mặc dù đã hành động sai trái từ đầu, những thay đổi, lấp liếm sau đó của Trung Quốc vẫn tiếp tục vấp phải những lỗi sai “khó đỡ”. Tuyên bố sau đó của Trung Quốc đưa ra ngày 6-6 đã vội vàng lấp liếp lỗi sai nực cười đó với khẳng định giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng tiếp giáp của Trung Quốc. Song tuyên bố mới này vẫn thiếu cơ sở pháp lý.

Theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng tiếp giáp là cho phép một quốc gia ven biển có quyền kiểm soát thần thiết đối với: (a) ngăn chặn sự xâm phạm đối về luật hải quan, tài chính, nhập cư hay bảo vệ sức khỏe và các quy định trong lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia; (b) trừng phạt những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên trong lãnh hải và lãnh thổ quốc gia”.

Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc chỉ rõ việc gửi tuyên cáo về vụ giàn khoan Hải Dương 981 lên LHQ chính là chiến lược chiến tranh pháp lý của nước này. Song sự quốc tế hóa căng thẳng trên biển Đông này vẫn chỉ là sự nửa vời và thiếu căn cứ. Trong bản tuyên cáo, Trung Quốc tráo trở tuyên bố: “Vùng biển giữa quần đảo Tây Sa (thực tế là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và bờ biển Việt Nam vẫn chưa phân định rõ ràng. Hai bên vẫn chưa tiến hành phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa tại vùng biển này. Cả hai bên đều khẳng định đây là EEZ và thềm lục địa của mình theo UNCLOS”.

Ông Thayer nhấn mạnh rõ ràng hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế. Dù cho Trung Quốc có ngoan cố gọi đó là vùng tranh chấp thì việc đặt giàn khoan tại một cùng biển tranh chấp cũng hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế, chưa nói tới rõ ràng vùng hạ đặt giàn khoan đó thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không những thế, tuyên cáo của Trung Quốc lại tỏ ra coi thường luật pháp quốc tế với tuyên bố: “Vùng biển đó sẽ không bao giờ trở thành EEZ và thềm lục địa Việt Nam dù cho có áp dụng nguyên tắc nào (của luật quốc tế)”!

Theo vị giáo sư uy tín này của Úc, tuyên cáo được trình lên Đại hội đồng LHQ này của Trung Quốc cần phải được đưa ra trước Hội đồng Bảo an. Bắc Kinh không được phép theo đuổi chiến tranh thông tin theo cái kiểu gửi thông cáo lên Liên Hiệp Quốc rồi lại bác bỏ đề nghị trung gian hòa giải của LHQ. Ông Thayer cũng cho rằng Mỹ và Úc nên hối thúc một cuộc phản biện tại Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Nhật Bản và các cường quốc khác liên quan tới biển Đông cũng nên tham gia. Điều quan trọng là Trung Quốc cũng không được trốn tránh cuộc tranh luận này.

Nguồn Người Lao Động


Sự kiện