Dữ liệu của The Economist cho thấy tăng trưởng GDP của nhiều nước trong năm nay tương ứng với tỉ lệ dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Ảnh: Quý Hoà

 
Lam Hồng Thứ Hai | 02/08/2021 06:30

Vaccine, vaccine và vaccine!

Tiêm chủng là yếu tố quyết định đến tăng trưởng 6 tháng cuối năm cũng như trong dài hạn hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cho rằng tiến trình tiêm chủng vaccine là yếu tố phân chia khả năng phục hồi giữa nhóm nước phát triển và nhóm đang phát triển, đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới.

Cụ thể, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Canada và Anh lên mức lần lượt 6,3% và 7%. GDP của khu vực đồng euro được dự báo tăng trưởng 4,6%, Trung Quốc tăng trưởng 8,1%. Trong khi đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á bởi vì đây là khu vực đang trở thành điểm nóng COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta, buộc các quốc gia phải áp đặt các lệnh cấm đi lại và các biện pháp giãn cách. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 điểm phần trăm  xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 điểm phần trăm  xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5 điểm phần trăm  xuống còn 2,1%. 

Dữ liệu của The Economist cho thấy tăng trưởng GDP của nhiều nước trong năm nay tương ứng với tỉ lệ dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nghiên cứu cho biết tác động của tiêm chủng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong khoảng thời gian 5 năm, mỗi năm giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm.

Trong số các nền kinh tế lớn được World Bank khảo sát, 10 nền kinh tế có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất được dự báo sẽ tăng trung bình 5,5% trong năm nay. Nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh (cũng như quy mô gói kích thích kinh tế), tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 được điều chỉnh tăng từ 3,5% lên 6,8%. Các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn so với các nền kinh tế khác cũng được World Bank nâng dự báo tăng trưởng.

Ngược lại, tại 29 nền kinh tế nghèo nhất thế giới (bao gồm 23 quốc gia ở châu Phi cận Sahara), chỉ 0,3% dân số được tiêm dù chỉ một liều vaccine, triển vọng tăng trưởng đã xấu đi. GDP tổng hợp của nhóm này dự kiến tăng 2,9% trong năm nay (không phải 3,4% như dự báo 6 tháng trước). 

Theo nhận định của Goldman Sachs, tiêm phòng giúp tăng trưởng theo ít nhất 2 cách. Nó cho phép các quốc gia nới lỏng việc khóa cửa hoặc bất kỳ hạn chế nào khác vốn đang kìm hãm nhiều khu vực kinh tế. Mặt khác, nó làm giảm nguy cơ bùng phát trong tương lai, giúp tăng trưởng có khả năng phục hồi tốt hơn.

Trong báo cáo lần này, IMF chưa đề cập đến sự thay đổi cho dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Tổng cục Thống kê Việt Nam ngày 29.6 công bố GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Có thể nhìn nhận, con số tăng trưởng này là kết quả tăng trưởng kinh tế 5 tháng.

Bên cạnh đó, mặc dù COVID-19 vẫn hoành hành nhưng sự phục hồi nhờ các gói kích thích và vaccine của nhiều nền kinh tế lớn đã có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, giúp xuất khẩu tăng kỷ lục 29% chỉ trong 6 tháng. Mặc dù vậy, kết quả này chưa tính đến tác động của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương lớn, kéo theo lệnh giãn cách dài ngày làm tê liệt nhiều khu vực kinh tế.

Vì vậy, dự báo tăng trưởng 6 tháng cuối năm, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ảnh: Quý Hoà
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10. Ảnh: Quý Hoà

Cũng như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, kiểm soát dịch bệnh lúc này phụ thuộc lớn vào tốc độ tiêm chủng vaccine và đây là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Có thể thấy, vaccine là phương án cuối cùng để Việt Nam chấp nhận số ca mới tăng nhưng không có nhiều rủi ro đến sức khỏe và tính mạng cộng đồng. “Đây là thời điểm rất then chốt và quan trọng, quyết định đến tình hình phục hồi của đất nước. Liệu chúng ta có thể duy trì và giữ cho nền kinh tế an toàn trong 6 tháng tới hay không, tất cả đều phụ thuộc vào vaccine. Cách duy nhất để làm điều này chính là đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng”, Tiến sĩ Daniel Borer, Giáo sư Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.

Ở kịch bản tích cực nhất, Chính phủ đã có được cam kết về vaccine khoảng 120 triệu liều. Nếu năng lực cả nước tiêm được 500.000-600.000 mũi mỗi ngày, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM khoảng 200.000 mũi mỗi ngày, thì giữa năm 2022, chúng ta kỳ vọng sẽ đạt 70% dân số được tiêm. “Theo kinh nghiệm các nước tiêm chủng tốt thì chúng ta vẫn có thể mở cửa nền kinh tế, kể cả đối với hoạt động du lịch. Trong năm nay, tôi cho rằng động lực duy nhất mà chúng ta có được là sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dệt may da giày, đồ gỗ nội thất, thủy sản... Với đầu tư, chúng ta cũng đã đạt được kỷ lục tăng tốc giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho tăng trưởng”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright, nhận định.