Trong 5 năm tới, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư bằng nguồn vốn công. Ảnh: Quý Hòa
Vaccine cho đầu tư công
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48% nên ước tính để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở quý II, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt được 7,19%. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và lan rộng ở nhiều tỉnh, thành. World Bank nhận định, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ.
Ngay từ đầu năm, trong các giải pháp tài khóa kích thích tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh cũng nhận định, động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công, còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần. Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công khoảng 2,87 triệu tỉ đồng. Nếu kế hoạch này được thông qua, 5 năm tới vốn đầu tư công sẽ tăng 0,87 triệu tỉ đồng, tức gần gấp rưỡi so với vốn Chính phủ giao 5 năm vừa qua.
Trong 5 năm tới, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư bằng nguồn vốn công. Đó là 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành... Việc tăng gấp rưỡi vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu khu vực FDI chịu ảnh hưởng thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công càng quan trọng.
“Năm 2020, cứ giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP cũng tăng thêm 0,06% so với năm trước. Vì thế, việc tăng 0,87 triệu tỉ đồng vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng GDP”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân đạt gần 99.000 tỉ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng này được đánh giá là cao nhất giai đoạn 2017-2021, nhưng so với kế hoạch năm còn khá thấp. Theo Kho bạc Nhà nước, quý I giải ngân còn thấp bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và chủ yếu các đơn vị tập trung thực hiện giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công cũng đang nằm ở nguồn ODA, khi hết 4 tháng, tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 2%.
Các dự án sử dụng vốn vay ODA cũng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án...
Cuối năm 2020, Bộ Tài chính từng đặt mục tiêu sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm 2021, nhưng với tốc độ phân bổ vốn chậm như hiện nay, rất khó thành hiện thực. Các chuyên gia cho rằng cần có sự linh hoạt trong việc thực hiện các cơ chế chính sách để giải ngân từng nguồn vốn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của năm nay.
Đặc biệt, đầu tư công có nguy cơ đình trệ trước đà tăng phi mã của giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác. Đặc biệt, giá thép đã tăng hơn 40% trong khi giá các vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi, tôn... cũng tăng từ 20-25%. Sự tăng giá đột ngột này khiến nhiều dự án đầu tư công phải dừng thi công do đội vốn công trình xây dựng. Nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước đang đứng trước nguy cơ đình trệ khi phải xin lại chủ trương đầu tư.
Để tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm có tính lan tỏa, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giảm số lượng dự án đầu tư công 5 năm tới xuống còn 5.000 dự án. Nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ phải cắt giảm hàng loạt dự án đầu tư mới chưa thực sự cần thiết. Số dự án phải cắt giảm lên tới 1.447 dự án.
“Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ.
Đầu tư công có nguy cơ đình trệ trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do COVID-19. Vì thế, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng cần thiết kế động lực tăng trưởng mới khi động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công bị giảm sút. Các vùng động lực phải quay trở lại, trong đó tập trung vào khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (trọng tâm là Hải Phòng) và đồng bằng sông Cửu Long (trọng tâm là Cần Thơ). Động lực tăng trưởng phải đặt trong dài hạn, và phát huy được khu vực kinh tế trong nước, không nên quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài/