Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém
Huy động vốn ở ngân hàng yếu kém vẫn tăng trưởng khá
Theo báo cáo giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành cơ bản phê duyệt các phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.
Việc cơ cấu lại được triển khai trong tất cả các khối TCTD. 4 trong tổng số 5 ngân hàng thương mại nhà nước được cổ phần hóa. Trong đó, 3 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là Vietcombank, Viettinbank, BIDV; 2 ngân hàng có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (Vietcombank hợp tác chiến lược với Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, Viettinbank phát hành thêm cổ phần cho Ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu các ngân hàng thương mại cổ phần. Đến nay, NHNN đã nhận được 24/25 phương án cơ cấu lại, trong đó, đã phê duyệt 18 phương án .
Đoàn giám sát cũng ghi nhận: huy động vốn và dư nợ của các TCTD tiếp tục tăng. Vốn huy động từ nền kinh tế đến cuối 4/2014 của toàn hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt 3.913 nghìn tỷ đồng, tăng 3,39% so với cuối năm 2013 và tăng 17,90% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng lưu ý là một số ngân hàng yếu kém và hầu hết các ngân hàng thuộc diện cơ cấu lại vẫn có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động khá so với mức trung bình của hệ thống.
Đối với khối TCTD phi ngân hàng, NHNN đang rà soát, đánh giá xác định một số trường hợp mà chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích của việc duy trì hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua giải thể, phá sản. Hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân về cơ bản vẫn đảm bảo an toàn. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tình trạng một số Qũy hoạt động yếu kém, xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật gây tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
8 tháng đầu năm xử lý nợ xấu bằng dự phòng được hơn 11 nghìn tỷ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả ban đầu bằng nguồn trích dự phòng rủi ro và VAMC.
Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214 nghìn tỷ đồng nợ xấu . Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 11,2 nghìn tỷ đồng.
Ngoài số nợ xấu được các TCTD báo cáo, đến cuối tháng 8/2014, có 316,2 nghìn tỷ đồng dư nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN .
Tính đến ngày 30/9/2014, VAMC đã mua 5.053 khoản nợ của 35 TCTD, với tổng dư nợ gốc là 82,8 nghìn tỷ đồng, giá mua 68 nghìn tỷ đồng từ các TCTD, bán được hơn 1,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu .
Chưa thay đổi lớn về chất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính mạnh.
Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là TCTD tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức mua đứt bán đoạn.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát, nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì nợ xấu vẫn tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.
Trong khi đó, sở hữu chéo, đầu tư chéo thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Thực tế này tồn tại kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD cũng như toàn hệ thống, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Trước thực tế này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ, NHNN xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ.
Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho VAMC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh.
Nguồn Infonet