Thứ Ba | 16/10/2012 20:16

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xu hướng khó khăn sẽ kéo dài đến năm 2013

Theo đó, Chính phủ cần đánh giá khách quan, toàn diện các yếu tố khi xây dựng các chỉ tiêu, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Ngày 16/10, tiếp tục phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 nêu rõ, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 nghìn tỷ, tăng 0,14% so với dự toán.

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 904,1 nghìn tỷ, tăng 0,11% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 ước thực hiện chỉ đạt 870.000 tỷ đồng, bằng 29,5 GDP. Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.

Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, khó khăn trong sản xuất kinh doanh từng bước được tháo gỡ, chỉ số tồn kho giảm dần; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển.

Tiến độ giải ngân vốn đầu từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được đẩy nhanh; vốn ODA giải ngân tăng cao hơn so với cùng kỳ. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, thông tin, tuyên truyền, y tế có tiến bộ. Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm. Công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.

Báo cáo cũng chỉ ra năm 2012, tình hình phát triển kinh tế xã hội nước ta tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; lạm phát được kiềm chế song vẫn còn diễn biến bất thường về giá cả.

Tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, sức tiêu dùng thấp, hàng tồn kho lớn; thị trường bất động sản, thị trường tài chính trầm lắng, tín dụng ngân hàng tăng trưởng thấp, nợ xấu ở mức cao…đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có tình hình thu-chi ngân sách.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các báo cáo của Chính phủ chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phân tích trong báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô, 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong những tháng cuối năm 2012.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí dự báo, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và các giải pháp chủ yếu của báo cáo Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá khách quan, toàn diện các yếu tố khi xây dựng các chỉ tiêu, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực cho mục tiêu trung và dài hạn.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong năm 2013, Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là “hàng tồn kho và nợ xấu.” Giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay.

Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xử lý hài hòa giữa các vấn đề trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính minh bạch, công khai, kỷ cương, kỷ luật trong điều hành, chủ động thông tin chính xác, rõ ràng đến người dân và doanh nghiệp.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện