Chiều ngày 23/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán và phân bổ ngân sách năm 2014.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, thấp hơn 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.
Ước tính, số hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013 là 90.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí ngân sách nhà nước 75.200 tỷ đồng, số còn lại 14.800 tỷ đồng còn thiếu, Quỹ hoàn thuế của năm 2013 sẽ phấn đấu tăng thu để bù đắp.
Chính phủ xây dựng dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013.
Về chi, dự toán chi đầu tư phát triển là 163.000 tỷ đồng. Trong khi dự toán năm 2013 là 175.000 tỷ đồng và số ước thực hiện là 201.555 tỷ đồng.
Về bội chi, Chính phủ đề nghị bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
Nhìn chung, 3 năm đầu trong kế hoạch 2011 - 2015, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 52,2%, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 51,8%. Tỷ trọng chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm dần, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, cho giáo dục, y tế, chi lương và an sinh xã hội…
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào ngân sách nhà nước một số khoản còn để ngoài ngân sách nhà nước.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2013, không để phát sinh nợ mới.
Cũng theo Ủy ban Tài chính ngân sách, trong khi thu ngân sách nhà nước giảm, thì chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.
Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định
Trong bối cảnh hụt thu lớn, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc nâng mức bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP, cũng như một số nội dung khác như thu vào ngân sách nhà nước 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp tập trung vào SCIC; cho phép một số địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng liên quan đến chính sách chi cho một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội).
Về dự toán năm 2014, một số ý kiến đề nghị rà soát thu vào ngân sách nhà nước các khoản thuế đã được gia hạn trong năm 2013 chuyển sang năm 2014, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5%.
Về việc thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp tập trung về SCIC, cần có cơ sở pháp lý, do đó, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, có ý kiến đề nghị xem xét thu cổ tức của Nhà nước ở cả các doanh nghiệp đã nộp vào SCIC để bố trí tăng chi đầu tư phát triển.
Về chi đầu tư phát triển, một số ý kiến cho rằng, việc giảm đầu tư từ ngân sách sẽ gây tác động rất lớn, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, do đó, cần bố trí ít nhất bằng dự toán của năm 2013 là 175.000 tỷ đồng.
Ngày 25/10, các đại biểu sẽ thảo luận nội dung tình hình ngân sách tại tổ.
Cũng trong buổi chiều ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và phương án phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Nguồn Đầu tư chứng khoán