Thứ Hai | 22/10/2012 12:17

Ủy ban kinh tế: Tồn kho và nợ xấu làm tắc nghẽn chu chuyển nguồn lực

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn. Tiến trình tái cơ cấu chưa đạt được kết quả rõ nét.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sáng nay (22/10), Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu đọc báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu năm 2012, Ủy ban kinh tế cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ước cả năm chỉ đạt 5-5,2%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cả năm 8%, bội chi ngân sách đạt 4,8% GDP, trong mục tiêu Quốc hội.

9 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 34 triệu USD, đưa cán cân thanh toán thặng dư 8 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Ước cả năm nhập siêu chỉ khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều mục tiêu Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến của Ủy ban kinh tế cho rằng, báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa đúng tình hình, số liệu còn vênh cho với thực tế, chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Trong 15 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch và đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh sự bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn, một số vấn đề cần được phân tích đánh giá đầy đủ, toàn thiện hơn.

Cụ thể, theo Ủy ban kinh tế, lạm phát giảm, nhập siêu giảm cho thấy dấu hiện lo ngại về trì trệ của nền kinh tế. Nhiều ý kiến nhận định lạm phát hạ nhanh hơn dự kiến, âm trong tháng 6 và tháng 7 cùng với nhập siêu giảm mạnh liên tục cho thấy sự hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong vay vốn. Tiến trình tái cơ cấu kinh tế đã đạt được sự thống nhất nhưng việc thực hiện đến nay chưa đạt được kết quả rõ nét.

Tồn kho và nợ xấu đang làm tắc nghẽn chu chuyển nguồn lực quốc gia. Thu ngân sách 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khả năng thu những tháng còn lại nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho hay.

Bên cạnh đó, Ủy ban đánh giá sự phối hợp trong điều hành giá chưa tốt trong một số thời điểm đã tác động không tốt tới tâm lý thị trường. Cơ chế quản lý thị trường vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phân tích rõ và thuyết phục hơn về kết quả tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài và mới tăng trở lại gần đây nhưng ở mức thấp (9 tháng tăng 2,35%), không bù đắp được so với nợ xấu ngân hàng tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,47% hoặc 8,6% cuối tháng 6 theo báo cáo của cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Trước tình hình này, Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đồng thời có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, báo cáo Quốc hội ngay trong kỳ họp này.

Ủy ban kinh tế cũng yêu cầu từ nay đến Tết Âm lịch, Chính phủ tập trung vào các giải pháp sau:

Giải quyết các nút thắt của nền kinh tế như hàng hóa tồn kho và nợ xấu. Cần tập trung xử lý những hàng hóa tồn kho cao như sắt thép, xi măng, căn hộ... Rà soát tính minh bạch, chính xác của quy mô nợ xấu các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ, các NHTM Nhà nước, cổ phần Nhà nước chấp hành nghiêm, chia sẻ với doanh nghiệp.

Rà soát lại các công trình xây dựng dở dang, đang bị hoãn, giãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng yếu.

Điều hành tốt công tác quản lý giá, bình ổn thị trường trong dịp trước và sau Tết. Đảm bảo giá vàng trong nước lưu thông với giá vàng quốc tế.

Về nhiệm vụ kinh tế xã hội 2013, Ủy ban kinh tế đánh giá năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011- 2015, do vậy Chính phủ cần thay đổi tư duy xây dựng kế hoạch, quy hoạch phân bổ nguồn lực, công khai minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác của số liệu để làm căn cứ trong các quyết định điều hành.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, các thành viên Ủy ban kinh tế đều tán thành với các chỉ tiêu kinh tế năm 2013 của Chính phủ như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Nguồn Khampha


Sự kiện