Thứ Tư | 30/04/2014 08:56

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Tăng trưởng GDP 2013 là 5,42%, cao hơn con số báo cáo trước

Báo cáo chiều qua tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy nhiều chỉ tiêu khác với báo cáo lên quốc hội kỳ họp vừa qua.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra chiều nay tại TP. Hạ Long, Thứ trưởng Đào Quang Thu đã đọc báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với nhiều chỉ số khác với báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, khác với số đã báo cáo Quốc hội là 5,4%, lạm phát kiểm soát ở mức 6,04%, thấp hơn con số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa rồi là 7%. Cán cân thương mại đã cân đối được xuất nhập khẩu, xuất siêu 10 triệu USD, trong khi báo cáo Quốc hội là nhập siêu 0,5 tỷ USD.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng vừa kiểm soát được lạm phát vừa từng bước hạ lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả bước đầu với việc xử lý được trên 101.000 tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 12/2013 giảm về mức 3,63%. Tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng. Thị trường ngoại tệ dần bị thu hẹp, thị trường vàng được quản lý tốt hơn.

Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2013 là 1,1 triệu tỷ đồng bằng 30,4% GDP, số báo cáo Quốc hội chỉ bằng 29,1% GDP vượt kế hoạch 30% GDP đã đặt ra.

Tình hình phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, trong năm có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 14.400 doanh nghiệp.

Báo cáo cũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2014 với nhiều điểm tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tăng, lãi suất huy động và cho vay giảm nhưng tín dụng thấp hơn cùng kỳ cho thấy việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện đáng kể. 3 tháng đầu năm vẫn duy trì xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 3,% so cùng kỳ năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013. GDP quý I ước tăng 4,96%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ, tồn kho tăng 4,1%, phát triển DN có dấu hiệu tích cực. Quý I có 18.358 doanh nghiệp thành lập mới và trong số 16.745 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động thì có 4.622 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu chưa được giải quyết căn bản. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn cao. Thị trường xuất khẩu nông sản khó khăn. Thị trường bất động sản chưa khởi sắc.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp có ý kiến, qua đánh giá báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hai chỉ tiêu đạt được là tốc độ tăng trưởng và bội chi ngân sách là những chỉ tiêu liên quan đến các chỉ tiêu khác. "Tôi thấy 2014 còn khó khăn rất nhiều. Báo cáo cho thấy số doanh nghiệp ngừng hoạt động và số doanh nghiệp thành lập mới gần bằng nhau, trong khi doanh nghiệp là động lực cho phát triển."

Về sản xuất công nghiệp, ông Huỳnh Văn Tiếp đề nghị, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm sao cổ phần hóa càng nhanh càng tốt, và xử lý nợ tồn đọng. Ông cho biết có doanh nghiệp chết mấy năm nay nhưng nợ tồn đọng không giải quyết được nên không được chôn. Ông cũng đề nghị làm sao khơi thông dòng vốn ưu tiên, giúp doanh nghiệp vay vốn. "Đã có nhiều giải pháp như giãn hoãn thuế, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn."

Về xuất khẩu, đại biểu kiến nghị làm sao gia tăng xuất khẩu chế biến, chứ nay toàn xuất khẩu thô. "Cứ xuất thô làm sao có giá trị kinh tế cao mang về cho đất nước. Nhà nước chưa quan tâm đầu tư sau thu hoạch."

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị kiểm soát chặt đầu tư công, tài chính công, đặc biệt quản lý chặt nguồn vốn đầu tư từ nhà nước. Ông chia sẻ: "Tôi đi giám sát thấy một công trình nông thôn mới, dân trực tiếp giám sát thực hiện công trình này và tổng vốn cho công trình này với sự giám sát của người dân, người dân tham gia thực hiện chỉ hết 60% tổng số vốn dự toán của dự án. Như vậy có sự giám sát của người dân vốn sẽ được sử dụng hiệu quả hơn."

Nguồn Theo DVO


Sự kiện