Thứ Ba | 20/05/2014 14:03

Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị tập trung xử lý tình hình phức tạp ở Biển Đông

Tập trung xử lý tình hình Biển Đông có ý nghĩa lớn nhiều mặt, trong đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định môi trường đầu tư - kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp trong 8 tháng cuối năm để sử dụng tối đa động lực cả trong và ngoài nước phục vụ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó cần tập trung xử lý tình hình phức tạp ở Biển Đông.

Việc tập trung xử lý tình hình phức tạp ở Biển Đông có ý nghĩa lớn nhiều mặt đối với nước ta, trong đó góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định môi trường đầu tư - kinh doanh.

Để làm tốt điều này, tại diễn đàn Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Với tình hình phức tạp ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của nước ta từ đầu tháng 5/2014, đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ các quyền theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982, thông báo kịp thời đến các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”.

Cũng trong sáng nay (20/5), trong phần Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014 trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Kinh tế nước ta sẽ có thêm động lực tăng trưởng trong năm 2014 cũng như trong trung hạn”.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2014, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6% và lên 3,9% vào năm 2015 thay vì mức tăng trưởng 2,9% của năm 2013.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, thương mại thế giới năm nay sẽ tăng trưởng 4% thay vì tăng trưởng 2,5% trong năm 2013; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay ước vào khoảng 1.600 tỷ USD, tăng 200 tỷ USD so với năm 2013.

Kinh tế, thương mại, đầu tư nước ngoài trên thế giới phục hồi, cộng với xu hướng chuyển biến tích cực trong hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng trong năm 2013, đặc biệt là kể từ quý III năm 2013 trở lại đây là cơ sở để ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Kinh tế nước ta sẽ có thêm động lực tăng trưởng cho năm 2014 cũng như trong trung hạn”.

Tín hiệu phục hồi kinh tế đang dần rõ nét, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP trong quý I/2014 đạt 4,96% thay vì mức 4,76% của năm 2013 và 4,75% của năm 2012. Trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp; thu ngân sách tăng 14% so với cùng kỳ và đạt gần 37% so với kế hoạch; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm dần; thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại dồi dào; xuất khẩu tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng; cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao…

“Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ đã điều chỉnh quản lý đầu tư công vừa qua là thành công, nhất là kiểm soát chặt chẽ từ chủ đầu tư đến xem xét từng dự án, công trình, phân bổ nguồn vốn… nên đã khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”, ông Giàu cho biết ý kiến đánh giá của các thành viên Ủy ban Kinh tế.

Cũng theo ông Giàu, việc Quốc hội quyết định huy động thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2016 để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng đã tác động tích cực đến tổng cầu của nền kinh tế và tháo gỡ nhiều dự án lớn đang triển khai dở dang như cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14); một số công trình y tế; xây dựng nông thôn mới…

“Quyết định phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt vào những tháng cuối năm 2014 và năm 2015”, ông Giàu nhận định.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện