Ủy ban Kinh tế: Nợ công xấp xỉ 95% GDP nếu tính cả doanh nghiệp Nhà nước
Doanh nghiệp đề nghị ứng ngân sách trả nợ...
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) vừa đề xuất Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có phương án ứng vốn trả nợ vay nước ngoài cho dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao.
Ý kiến nêu trên được HUD gửi tới cơ quan chức năng với tư cách là cổ đông góp 80% vốn vào Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao (có vốn điều lệ gần 640 tỷ đồng), trong bối cảnh doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn.
Đi vào sản xuất từ 1/3/2010, nhưng sau 3 năm hoạt động, Xi măng Sông Thao đã lỗ hơn 306 tỷ đồng với lý do không thể hoạt động hết công suất thiết kế, chi phí đầu vào tăng cao, giá bán xi măng giảm khoảng 25%.
Làm ăn bết bát, cộng với số vốn vay đầu tư ban đầu, đến cuối năm 2012, doanh nghiệp này nợ trong nước tổng cộng hơn 641 tỷ đồng và mới trả được hơn 189 tỷ. Cùng với đó, dự án cũng nợ nước ngoài tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) 24,5 triệu đôla và mới trả được khoảng 17 triệu USD trong số này. Do tình hình khó khăn nên nhà máy xi măng không có khả năng trả nợ.
Căn cứ theo ý kiến của HUD, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho tổng công ty này, với số tiền gốc và lãi khoảng 5,4 triệu đôla. Bộ sẽ yêu cầu HUD chỉ đạo Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao có biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh thu xếp nguồn vốn để hoàn trả Quỹ tích lũy trong năm 2015, 2016.
...làm tăng nợ công
Theo báo cáo nghiên cứu "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam" của Uỷ ban Kinh tế mới công bố, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Uỷ ban Kinh tế, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Vấn đề nằm ở những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP.
Ngoài ra, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN theo ghi nhận tại đề án tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP.
Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, Uỷ ban Kinh tế cho biết, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF.
Theo Ủy ban Kinh tế, dù ngưỡng an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng là bao nhiều thì với ngân sách thâm hụt kéo dài như hiện nay sẽ sớm đưa Việt Nam chạm tới các ngưỡng an toàn.
Theo đó dự báo, trong vòng 15 năm tới, trong mọi kịch bản nợ công/GDP của Việt Nam đều có xu hướng tăng dần theo thời gian do thâm hụt ngân sách cơ bản tiếp tục diễn ra và do tác động của sự mất giá nội tệ so với các ngoại tệ trong giỏ nợ công nước ngoài. Trong kịch bản tốt nhất, nợ công chỉ ở mức khoảng 66% GDP, tuy nhiên ở kịch bản xấu, nợ công có thể đạt mức 87,5% GDP vào năm 2020.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, để hạn chế rủi ro nợ công, Việt Nam cần có một chính sách tài khóa triệt để và sớm đưa ngân sách về trạng thái cân bằng.
Ủy ban này cũng kiến nghị thành lập Ban Giám sát Nợ công thuộc Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; thiết lập một hệ thống các chỉ tiêu an toàn về nợ; thực hiện hạch toán nợ theo chuẩn quốc tế và sớm phát triển thị trường nợ trong nước...
(Theo TBNH)