Ủy ban Kinh tế đưa ra 3 kịch bản nợ công trong 15 năm tới
Ủy ban kinh tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa công bố báo cáo về nợ công Việt Nam.Báo cáo đã đưa ra 3 kịch bản nợ công cho giai đoạn 15 năm, từ năm 2012 đến 2026. Các kịch bản được xây dựng dựa trên 5 yếu tố gồm tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lãi suất các khoản vay và thâm hụt ngân sách cơ bản.
Bên cạnh đó, kết quả mô phỏng theo 3 kịch bản được tính toán dựa trên hai giả định. Thứ nhất, các khoản nợ công đã được hạch toán đầy đủ vào trong con số 58,7% GDP cuối năm 2011. Thứ hai, kết quả này chưa tính tới những khoản nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ phải đứng ra gánh hộ trong tương lai.
Kịch bản tốt được đưa ra dựa trên giả định Việt Nam thành công đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định và lạm phát ở mức vừa phải do nâng cao năng suất của nền kinh tế. Nhờ đó, tốc độ mất giá của đồng nội tệ và lãi suất của các khoản nợ công mới cũng được duy trì ở mức thấp.
Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế và UNDP, đến ngày 31/12/2010, nợ công của Việt Nam chiếm 57,3% GDP, cao hơn nhiều so với mức 36% GDP vào năm 2001 và 44% GDP vào năm 2005. Đến 31/12/2011, nợ công phần nào suy giảm, song cũng ước đạt tới 54,6% GDP. |
Kịch bản trung bình là kịch bản nằm giữa hai thái cực này.
Với chỉ tiêu thâm hụt ngân sách cơ bản (được tính bằng cách lấy thâm hụt ngân sách không gồm chi trả nợ gốc trừ đi trả lãi nợ gốc), do phần nhiều phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà hoạch định chính sách trong việc lập kế hoạch thu, chi ngân sách năm đó nên báo cáo thực hiện mô phỏng nợ công theo 3 tình huống thâm hụt ngân sách cơ bản lần lượt ở mức 1%, 2% và 3% GDP.
Cụ thể, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1% GDP mỗi năm thì tỉ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lên mức 61,1%, 66,6% và 72,6% vào năm 2020 tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu.
7 khuyến nghị để quản lý nợ công
Trước những thách thức tài khóa và nợ công được phân tích ở trên, báo cáo đã đưa ra một số nhóm chính sách cho việc quản lý nợ công và thâm hụt ngân sách hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, thành lập Ban quản lý nợ công thuộc Uỷ ban Ngân sách/Kinh tế Quốc hội. Ban Quản lý này được truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài từ các bộ/ngành để những người quản lý nợ công có thể theo dõi, phân tích và giám sát tổng nợ của khu vực công.
Thứ hai, thiết lập một hệ thống cách chỉ tiêu về an toàn nợ. Thông thường, các giới hạn đối với tổng nợ thường được biểu diễn dưới dạng % của GDP và xuất khẩu, còn giới hạn đối với nghĩa vụ nợ thường được biểu diễn theo % tổng thu thuế và dự trữ ngoại hối, hoặc giới hạn tỉ lệ vay nợ/chi đầu tư hàng năm.
Các giới hạn này cần đưa ra một cách hợp lý. Nếu quá thấp sẽ cản trở Chính phủ thực hiện các phản ứng cần thiết trong thời kì khủng hoảng do việc điều chỉnh hoặc thông qua các điều luật mới là mất thời gian. Ngược lại, nếu các giới hạn được thiết lập ở mức quá cao thì không có ý nghĩa.
Thứ ba, thực hiện hạch toán nợ theo chuẩn mực quốc tế. Theo đó, các khoản chi để ngoại bảng phải được tuyệt đối tránh. Các gánh nặng ngân sách phát sinh trong tương lai, ví dụ như chi trả lương hưu hay bảo hiểm y tế cũng cần được đưa vào các dự báo về thâm hụt ngân sách. Nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phải được tính toán, phân tích và báo cáo đầy đủ.
Thứ tư, cần phát triển thị trường nợ trong nước, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu Chính phủ. Sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ giúp cho Chính phủ huy động được vốn với kì hạn dài, lãi suất cố định và đặc biệt là bằng nội tệ. do vậy, các rủi ro liên quan đến lãi suất, tỉ giá và đảo nợ sẽ được giảm thiểu. Ngoài ra, sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp cũng giúp kéo theo sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ năm, có đánh giá toàn diện về tính hiệu quả của các khoản chi tiêu công theo các lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ nhìn thuần túy vào con số tăng hay giảm, tránh mắc sai lầm cắt giảm đồng loạt các khoản chi tiêu theo một tỉ lệ cố định.
Thứ sáu, giảm quy mô và số lượng, tăng cường quản trị và tính minh bạch của doanh nghiệp Nhà nước. Số lượng và tỉ trọng các doanh nghiệp Nhà nước cần được đặt mục tiêu giảm dần thông qua quá trình cổ phần hóa triệt để.
Thứ bảy, hệ thống thuế cần được cải cách đảm bảo các tiêu chí tạo nguồn thu bền vững, hiệu quả, công bằng và minh bạch. Gánh nặng thuế cần phải được điều chỉnh giảm một cách hợp lý.
Nguồn Khampha