Thứ Sáu | 28/06/2013 16:33

Ủy ban Giám sát Tài chính: Lạm phát cả năm 2013 khoảng 5%

Mức lạm phát dự báo khoảng 5% (nếu không điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản) cho phép một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) vừa có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 và gửi lên Chính phủ.

Tăng trưởng 5,5% vẫn là một thách thức lớn

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi mặc dù ở mức thấp và chưa thực sự chắc chắn. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2013 đạt 4,9%, tương đương mức tăng của cùng kì năm trước, được duy trì chủ yếu nhờ cải thiện về tăng trưởng của khu vực xây dựng và dịch vụ, trong khi nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp suy giảm.

Một số dấu hiệu cho thấy sản xuất đang có chuyển biến tích cực bao gồm: chỉ số sản xuất công nghiệp mặc dù còn thấp nhưng đã tăng dần từ tháng 3/2013; mức tăng chỉ số tồn kho đã giảm; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tư liệu sản xuất và xuất khẩu đều tăng khá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, NFSC cho rằng sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. Do đó, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 vẫn là một thách thức lớn.

Nguyên nhân trước hết là cầu nội địa chậm hồi phục, đó tín dụng tiêu dùng cũng giảm sút ảnh hưởng không nhỏ đến tổng cầu. Bên cạnh sức cầu yếu thì chi phí cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo đó, NFSC khuyến nghị trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013 bằng những giải pháp mạnh hơn nữa nhằm tạo cầu cho nền kinh tế.

Lạm phát thấp tạo dư địa cho điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính cũng cho thấy, mặc dù, lạm phát theo tháng dao động tương đối lớn nhưng chủ yếu do tính mùa vụ nên lạm phát so cùng kì năm trước khá ổn định từ quý IV/2012, duy trì ở mức trên dưới 7%. Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,05% so với tháng trước, 6,69% so cùng kì năm trước, và 2,4% so tháng 12/2012.

Nguyên nhân giúp lạm phát được duy trì ổn định là do tổng cầu yếu. Đáng chú ý, khi giá thế giới được dự báo ổn định và cầu trong nước chậm khôi phục, nếu không có những thay đổi về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm 2013 và lạm phát cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 5%.

NFSC cho rằng, với mục tiêu lạm phát điều hành của Chính phủ 6-6,5% của năm 2013, mức lạm phát dự báo khoảng 5% (nếu không điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản) cho phép một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản.

NFSC dẫn báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá điện tăng 1% sẽ có ảnh hưởng làm tăng CPI 0,07% (trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp).


Theo đó, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản có thể chia thành 2 lần vào tháng 9 và tháng 11 vì theo dự báo của Ủy ban thì lạm phát (so với cùng kỳ) sẽ ở mức thấp nhất trong quãng thời gian này.

Tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tỷ đồng

NFSC cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013, việc cân đối vốn đầu tư cho nền kinh tế ở mức 30% GDP là một thách thức không nhỏ. Với giả định lạm phát 2013 ở mức 6,5%, tín dụng tăng 12% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 2012, Ủy ban ước tính tổng vốn đầu tư còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, giải ngân kịp tiến độ trong 2013 cũng là yêu cầu hết sức cấp thiết để đảm bảo tăng trưởng đạt mục tiêu (6 tháng đầu năm vốn đầu tư ước đạt 40% kế hoạch).

Theo đó, NFSC khuyến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn. Do thủ tục phát hành trái phiếu Chính phủ cần nhiều thời gian (xin phép Quốc hội), Ủy ban kiến nghị Chính phủ cho tạm ứng hạn mức trái phiếu chính phủ 2014 để kịp đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2013.

Cân đối ngân sách đối mặt nhiều thách thức

NFSC cho rằng, cân đối ngân sách năm 2013 phụ thuộc lớn vào phục hồi sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, tổng thu cân đối NSNN chỉ tăng 1% so cùng kì năm trước, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch tăng 10% thu NSNN của năm 2013.

Khi thu từ dầu thô tăng khá ở mức 9,4% thì tổng thu NSNN tăng thấp do thu nội địa chỉ tăng 1,8% và thu xuất nhập khẩu giảm 7%. Thu từ dầu có thể khó giữ được tốc độ tăng như trong 5 tháng đầu năm khi giá dầu thế giới được dự báo có xu hướng giảm từ nay đến cuối năm.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện