Thứ Tư | 02/01/2013 13:36

Ủy ban Giám sát tài chính: Dấu hiệu hồi phục kinh tế vẫn còn rất yếu ớt

Tình trạng giảm sút trong sản xuất biểu hiện rõ nhất trong ngành xây dựng và sản xuất công nghiệp.
Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế năm 2012 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, năm qua, sản xuất công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Thị trường bất động sản đóng băng cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã kéo theo sự giảm tốc của ngành xây dựng. Các năm trước, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt trên 10% thì trong 6 tháng đầu năm 2012 lại tăng trưởng âm 5,4% và chỉ có được sự cải thiện nhờ vào tăng đầu tư xây dựng cơ bản trong 6 tháng cuối năm.

Sự sụt giảm của khu vực sản xuất công nghiệp cũng là một mối quan ngại lớn. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2012 ở quanh mức 4,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,5% của năm 2011.

Mới đây, HSBC cũng công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12 lại giảm xuống 49,3 điểm, từ mức 50,5 điểm trong tháng 11. Như vậy, sau duy nhất 1 tháng hồi phục, chỉ số này lại nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm lần thứ tám trong 9 tháng qua, thể hiện quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn còn ở giai đoạn đầu mong manh khi nhu cầu vẫn còn yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm.

Cùng với đó, tín dụng ngân hàng tăng thấp kỷ lục (đạt khoảng 6% trong năm 2012) cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam cả trong khu vực nhà nước và tư nhân có gặp nhiều khó khăn.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính đánh giá, 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập giảm cả về số lượng (giảm 10%) và vốn đăng kí (giảm 7,5%) và có trên 51,8 nghìn doanh nghiệp nội địa phải đóng cửa hoặc tạm thời ngừng hoạt động. Điều này cho thấy những dấu hiệu hồi phục kinh tế hiện nay vẫn còn rất yếu ớt.

Tuy nhiên, kinh tế năm 2012 cũng có một số điểm sáng. Lạm phát năm 2012 giảm mạnh từ mức 18,13% của năm 2011 xuống mức 6,81%. Ủy ban Giám sát đánh giá, nếu loại trừ yếu tố điều chỉnh giá dịch vụ, lạm phát lõi năm 2012 cũng chỉ ở mức dưới 10% và lạm phát tổng thể năm 2012 ở mức thấp hơn nhiều so với mức 6,81%.

Cùng với đó, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện đáng kể (dự báo thặng dư khoảng 9-10 tỷ USD) và nguồn dự trữ ngoại hối tăng khá (đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu), tỷ giá hối đoái ổn định, chênh lệch giữa tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức chỉ khoảng 200 VND/USD, tương đương dưới 1% so với tỷ giá chính thức.

"Lạm phát được kiềm chế, tỷ giá hối đoái ổn định, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và dự trữ ngoại hối được nâng cao… Kết quả là, chỉ số CDS - phí bảo hiểm rủi ro trái phiếu Chính phủ - của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất vào tháng 12, ở mức 250 điểm, giảm mạnh so với kỷ lục 600 điểm vào cuối năm 2011. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tăng lên đáng kể", Ủy ban này nhận định.

Nguồn Khampha


Sự kiện