Thứ Hai | 08/07/2013 12:02

Ưu tiên hơn cho tăng trưởng

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt thì điều hành cuối năm cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%.
Lạm phát được nhận diện không còn là mối lo ngại lớn của năm 2013 nhưng chỉ số tăng trưởng GDP lại không cao như mong đợi.

Lạm phát 7%-8% vẫn "đẹp"

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không còn là mối lo lớn trong năm 2013. Liên tục từ tháng 3 đến nay, CPI đều giảm hoặc có mức tăng không đáng kể so với tháng trước. Đặc biệt, CPI 6 tháng đầu năm của cả giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2012 dao động ở mức 2,52% - 18,44% trong khi CPI 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,4%.

Nghiên cứu của Bộ KH-ĐT cho thấy mỗi nền kinh tế có ngưỡng lạm phát khác nhau, với Việt Nam nếu nén xuống sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng. Ví dụ, đối với nền kinh tế Nhật Bản, lạm phát 1% là hợp lý nhưng đối với Việt Nam, lạm phát 7%-8% vẫn "đẹp" và ở mức lạm phát này nền kinh tế mới tăng trưởng tốt.

Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ sẽ kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 6%-6,5%. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát thấp đang tạo dư địa để điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu.

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục từ nay đến cuối năm sẽ tăng là nguyên nhân có thể đẩy lạm phát cả năm đến hết ngưỡng 6,5% hoặc thậm chí cao hơn. Mức lạm phát như vậy là có thể chấp nhận được.

Còn Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (GSTCQG) cho rằng vẫn có dư địa để tăng giá điện trong phạm vi 10%-15% (bao gồm cả tăng giá than bán cho điện) và áp dụng tỉ giá linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm.

Đẩy mạnh hơn chi tiêu đầu tư công

Ủy ban GSTCQG cũng khuyến cáo trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt và nhiều khả năng thấp hơn mục tiêu 6,5% thì chính sách điều hành cuối năm cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt mục tiêu GDP năm 2013 tăng trưởng 5,5%.

Chính sách ưu tiên hơn cho tăng trưởng, theo đề xuất của ủy ban này, là đẩy mạnh hơn chi tiêu đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án lớn đang thực hiện, nhằm khơi thông dòng vốn trong xây dựng cơ bản, góp phần bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng.

Theo Bộ KH-ĐT, tổng đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm chỉ đạt 448.600 tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch. Ủy ban GSTCQG cũng đề nghị các địa phương sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỉ đồng để giảm nợ xấu cho doanh nghiệp và ngân hàng, góp phần khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào các công trình trọng điểm, các dự án lớn, dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013.

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 5,5% của năm 2013 là một thách thức lớn, vì mặc dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa hàng loạt, vốn đăng ký mới giảm dần.

Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng mới đạt hơn 3%, tương ứng với ¼ chỉ tiêu kế hoạch cả năm và quan trọng là nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đang gặp khó khăn lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng lưu ý là Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn và lao động, nếu tiếp tục giảm đầu tư thì không thể có tăng trưởng cao được nhưng trong bối cảnh hiện nay khó có thể tăng phần vốn từ ngân sách nhà nước.

Nguồn Người lao động


Sự kiện