Ưu đãi tột cùng cho Formosa: Lo bóp chết ngành thép trong nước
Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương cần lập một tổ chuyên trách để giám sát dự án này theo đúng tiêu chí đã cấp phép, thẩm định thật kỹ các yếu tố từ chất lượng thiết bị, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường... để ngăn ngừa trường hợp đăng ký đầu tư một đường mà thực hiện một nẻo.
Sản lượng thép khổng lồ
Theo chính thông tin mà Formosa công bố với các nhà đầu tư khác, các ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp này đều được các nhà đầu tư trong nước sốc bởi mức độ ưu đãi đều cao nhất. “Những ưu đãi dành cho Formosa phải nói là vô tiền khoáng hậu, từ đất đai cho đến thuế và chúng rất đặc thù. Các ưu đãi về sau cũng dần tăng lên” - ông Phạm Chí Cường, nguyên chủ tịch Hiệp hội Thép VN, hiện là thành viên cố vấn Chính phủ trong lĩnh vực thép, nhận định.
Từng được mời tham quan dự án vào tháng 4-2014, ông Cường đánh giá dự án Formosa khi hoàn thành sẽ đưa ra thị trường một lượng thép khổng lồ. Chỉ tính ở giai đoạn 1 (sản phẩm ra mắt vào tháng 5-2015), mỗi năm Formosa sẽ “trình làng” 776.000 tấn phôi vuông nhỏ (dùng để sản xuất thép xây dựng như trong nước đang làm), 970.000 tấn phôi vuông lớn (cũng sản xuất thép cây xây dựng, nhưng có đường kính lớn hơn, dùng cho các công trình lớn và chế tạo cơ khí, chi tiết máy), 478.000 tấn phôi vuông (để sản xuất thép cây và thép cuộn xây dựng), 5,3 triệu tấn phôi dẹt (dùng để sản xuất thép tấm và thép cuộn cán nóng, ống thép, nguyên liệu chính làm tôn mạ kẽm, mạ màu), 5,246 triệu tấn thép cuộn cán nóng thô, 2,77 triệu tấn thép cuộn cán nóng, 1,2 triệu tấn thép cuộn và thép cây xây dựng.
“Ban đầu họ tính xây tổ hợp 15 triệu tấn/năm, nhưng mới đây Formosa đã điều chỉnh tăng lên 22,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng khả năng tiêu thụ thép trong nước hiện nay ở VN mới khoảng trên 10 triệu tấn” - ông Cường nói.
Tuy nhiên, dù Formosa là tập đoàn lớn nhưng theo ông Cường, lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp này chủ yếu là nhựa, hóa dầu... và “chưa hề có kinh nghiệm gì về thép, chưa từng làm nhà máy thép nào”. Ngay cả khi đã mời China Steel (Đài Loan) góp 5% vốn vào dự án, còn lại đều là các công ty con của Formosa, tức là cũng không liên quan gì nhiều đến ngành cơ khí này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một bản thuyết minh dự án mà Formosa cho lưu hành, doanh nghiệp này khẳng định các sản phẩm của họ sẽ xuất khẩu sang các nước ASEAN. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có phải như vậy không? Ai sẽ giám sát nếu họ không thực hiện như vậy?
“Các nước ASEAN cơ bản cũng đã có công nghiệp thép của họ, khó có thể tiêu thụ được hết lượng thép sản xuất ra của Formosa” - ông Cường phân tích. Ngay cả trường hợp cần xuất ngược về Đài Loan cũng không thể, bởi nơi này đã dư và đang là nhà xuất khẩu thép. Còn Trung Quốc cũng có công nghiệp thép rất mạnh, nên “khả năng Formosa cung cấp một phần không nhỏ trong sản lượng khổng lồ của họ ở thị trường trong nước là hoàn toàn có thể. Khi đó ngành công nghiệp thép VN có nguy cơ phá sản nếu Formosa tập trung mạnh vào thị trường trong nước chứ không xuất khẩu như cam kết” - ông Cường khuyến cáo.
Theo các doanh nghiệp ngành thép trong nước, khuyến cáo này có cơ sở nếu nhìn vào cơ cấu sản phẩm của Formosa. Ngoại trừ thép cán nóng mà VN đang thiếu và phải nhập khẩu hằng năm, các loại khác VN đang dư thừa khá lớn, nhất là thép trong lĩnh vực xây dựng. Ngay cả một lượng lớn phôi vuông mà Formosa nói để chế tạo cơ khí như dập ra bulông, ốc vít... “thì nhu cầu ở VN rất ít. Nên chắc họ sẽ lại tập trung sản xuất chính vào thép xây dựng!” - ông Cường nhận định. Thậm chí với loại thép xây dựng phi 22 trở lên mà Formosa nói sẽ sản xuất thì cũng là loại thép hiếm nơi nào dùng, kể cả ở thị trường thế giới.
Cần cơ chế giám sát đầu ra
Điều ông Cường e ngại cũng chính là nỗi lo của hầu hết doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Bởi thép là ngành công nghiệp then chốt, các nước đều muốn có ngành công nghiệp thép của riêng mình, như Nhật có Nippon Steel, Hàn Quốc có Posco, Đài Loan có China Steel... “Vì vậy trên thế giới các nước hiếm khi cho một tổ hợp thép hoàn toàn 100% vốn nước ngoài, mà thường bắt liên doanh. Ngay Trung Quốc cũng khống chế tỉ lệ cổ phần nước ngoài được phép có trong nhà máy thép” - ông Cường lưu ý.
Chưa kể với những ưu đãi vượt trội mà Formosa đang có cho những sản phẩm ở cùng phân khúc thị trường, cụ thể ở đây là các loại thép xây dựng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khó lòng cạnh tranh nổi khi các chi phí sản xuất để cho ra một mặt bằng giá đã có sự khác biệt quá lớn. “Sức ép thị trường sẽ đè nặng lên vai chúng tôi khi dù đã tiết giảm tối đa mọi chi phí, chúng tôi vẫn khó lòng có được mức giá lý tưởng như họ” - ông Đ., chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp thép ở phía Nam, thừa nhận. Cho nên điều mà phần lớn doanh nghiệp sản xuất thép kỳ vọng là làm sao có cơ chế giám sát chặt chẽ sản phẩm làm ra của Formosa phải thực hiện theo đúng như cam kết đầu tư. “Chúng tôi chỉ cần như vậy vì dù sao giấy phép cũng đã cấp rồi, ưu đãi cũng đã thực hiện rồi...” - ông Đ. lo lắng nói.
Nguồn Tuổi Trẻ