USDA: Thương mại gạo toàn cầu 2015 đạt 42,6 triệu tấn
Trong báo cáo Viễn cảnh Lúa gạo tháng 1/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2015 đạt 42,6 triệu tấn, gần như không đổi so với năm 2014, nhưng tăng nhẹ so với 41,9 triệu tấn dự báo hồi tháng 12/2014.
Về xuất khẩu, USDA ước tính Thái Lan xuất khẩu kỷ lục 11,3 triệu tấn gạo trong năm 2015 dựa vào những nỗ lực xả bán lượng gạo tồn kho của chính phủ nước này. Myanmar dự đoán cũng sẽ tăng xuất khẩu lên 1,5 triệu tấn khi khai thông được thị trường Trung Quốc.
Dự đoán xuất khẩu gạo của Uruguay năm 2015 đạt 400.000 tấn, tăng 53% so với năm 2014 do sản lượng tăng trong khi tiêu thụ nội địa giảm.
Về phía nhập khẩu, USDA ước tính nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 4,3 triệu tấn năm 2015, tăng 10% so với 3,9 triệu tấn năm 2014 và tăng nhẹ so với 4 triệu tấn dự báo hồi tháng trước dựa vào việc Trung Quốc ký thỏa thuận với Myanmar và Thái Lan.
Sản lượng gạo 2014-2015 đạt 475,5 triệu tấn
USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2014-2015 đạt 475,5 triệu tấn, giảm 1,46 triệu tấn so với 476,96 triệu tấn năm 2013-2014, nhưng tăng nhẹ so với 475,2 triệu tấn ước tính hồi tháng trước.
Sản lượng gạo toàn cầu giảm chủ yếu do sản lượng tại Nam Á giảm. Theo ước tính của USDA, sản lượng gạo niên vụ 2014-2015 của Đông Á và Đông Nám Á đạt kỷ lục. Mặc dù sản lượng gạo tại Nam Mỹ tăng, so sản lượng tại khu vực châu Phi cận Sahara dự báo giảm.
Diện tích gieo cấy toàn cầu dự năm 2014-2015 báo đạt 160,6 triệu ha, giảm nhẹ so với năm 2013-2014. Năng suất trung bình đạt 4,41 tấn/ha, không đổi so với năm trước.
USDA ước tính tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2014-2015 đạt kỷ lục 483,3 triệu tấn, tăng 3,2 triệu tấn so với năm trước và không đổi so với dự báo hồi tháng trước. Như vậy, tiêu thụ gạo toàn cầu sẽ vượt sản lượng 7,8 triệu tấn trong năm 2014-2015, chủ yếu do tiêu thụ tại Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Indonesia và Mỹ tăng mạnh.
Tồn kho cuối vụ năm 2014-2015 ước đạt 99 triệu tấn, giảm 9% so với 109,3 triệu tấn năm 2013-2014, và giảm so với 99,1 triệu tấn dự báo hồi tháng trước, chủ yếu do dự trữ tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan giảm.
Tỷ lệ tồn kho/sử dụng năm 2014-2015 ước đạt 20,5%, giảm so với 22,3% năm trước.
Nguồn DVO/Oryza