Vanity Fair

 
Thứ Năm | 24/08/2017 10:24

USD suy yếu: Trump đang làm nước Mỹ mất đi sự "vĩ đại"?

Nước Mỹ không còn giữ vị thế thống trị của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu nếu đồng USD cứ tiếp tục suy yếu.

Trong gần một thế kỷ qua, đồng USD đã luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn của thế giới tài chính. Không có đồng tiền nào khác hứa hẹn mức độ an toàn và thanh khoản cao như USD đối với tài sản tích lũy. Trong những thời điểm khó khăn trước đây, các nhà đầu tư hoang mang và các ngân hàng trung ương thận trọng đã đổ tiền vào các tài sản bằng USD, trong đó có trái phiếu chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, xu hướng này có thể sẽ chấm dứt trong tương lai.

Bộ máy chính quyền hỗn loạn dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến lòng tin vào đồng bạc xanh giảm nghiêm trọng. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã chọn cách đối đầu với chính phủ nhiều nước, bao gồm cả các đồng minh thân cận như Úc và Đức. Gần đây hơn, ông đã đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân bằng cách dọa nạt nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un với "lửa và thịnh nộ".

USD suy yeu: Trump dang lam nuoc My mat di su
Diễn biến chỉ số USD trong năm qua. Ảnh: Market Watch

USD sắp sửa phải đối mặt với một bài kiểm tra đầy khó khăn. Liệu các nhà đầu tư toàn cầu có muốn tiếp tục bỏ tiền vào một đất nước có bộ máy lãnh đạo đầy rắc rối như vậy, hay họ sẽ đi tìm chỗ ẩn náu ở nơi khác?

Kể từ Thế chiến II, sự an toàn của đồng USD chưa bao giờ bị nghi ngờ như lúc này. Trong giai đoạn hậu chiến tranh, các thị trường tài chính lớn và phát triển mạnh ở Mỹ đảm bảo tính thanh khoản vô song. Và bởi vì Mỹ là siêu cường về mặt quân sự, nước này cũng có thể đảm bảo an ninh địa chính trị.

Không một quốc gia nào khác có thể cung cấp tài sản đủ chuẩn đầu tư an toàn và linh hoạt với quy mô lớn như vậy. Nhà chiến lược đầu tư Kathy A. Jones từng nói với tờ New York Times vào tháng 5/2012: "Khi mọi người đang lo lắng, tất cả các con đường đều dẫn đến trái phiếu chính phủ Mỹ".

Sự bùng nổ của bong bóng bất động sản ở Mỹ trong năm 2007 là một ví dụ. Mọi người đều biết rằng cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc suy thoái kéo dài đã bắt đầu ở Mỹ, và rằng đất nước này được cho là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, ngay cả vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, một làn sóng vốn vẫn tràn vào thị trường Mỹ, cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp mà họ cần phải làm.

Chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm 2008, lượng mua ròng tài sản của Mỹ đã lên tới 500 tỷ USD - gấp 3 lần so với 9 tháng đầu năm. Thay vì bị mất giá, đồng USD đã tăng lên. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ là một trong số ít các khu vực tài chính vẫn hoạt động trơn tru. Ngay cả sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor hạ bậc trái phiếu chính phủ trước việc chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động vào giữa năm 2011, các nhà đầu tư bên ngoài vẫn tiếp tục mua vào USD.

Phần lớn sự gia tăng nhu cầu USD cách đây 10 năm có thể là do sự sợ hãi tuyệt đối: không ai biết những điều xấu có thể xảy ra như thế nào. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về cuộc đối đầu của Mỹ và Triều Tiên hôm nay. Nhưng liệu lịch sử sẽ lặp lại và một lần nữa các nhà đầu tư sẽ đổ xô đi mua USD?

Câu trả lời ngắn gọn là: đừng ăn mày dĩ vãng. Các thị trường đã cho thấy sự thiếu tin tưởng vào Trump từ nhiều tháng nay. Tại thời điểm này, nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng mới có thể gây ra làn sóng tháo chạy khỏi đồng USD, khi đó Mỹ sẽ phải đối phó với một cuộc khủng hoảng USD cùng với một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng.

Rủi ro của cuộc khủng hoảng đồng USD có vẻ như là đã xuống mức rất thấp trong giai đoạn ngay sau chiến thắng của Trump vào tháng 11 năm ngoái. Trên thực tế, vào cuối năm ngoái, những dòng vốn mới chảy vào đã đẩy đồng USD lên mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ do những kỳ vọng rằng Trump sẽ bãi bỏ nhiều quy định, cắt giảm thuế và kích thích tài khóa dưới hình thức tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng. Khi đó, các nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ cải thiện.

Nhưng hiện nay, khi mà chính quyền Trump phải đối mặt với quá nhiều bê bối, hiệu ứng Trump đã phai nhạt cùng với niềm tin vào USD. Trong 200 ngày đầu Trump làm tổng thống, đồng USD mất gần 10% giá trị.

Trong khi Trump đăng những dòng tweet vô nghĩa, các nhà đầu tư đã tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn ở các thị trường khác, từ Thụy Sĩ đến Nhật Bản. Xu hướng này đã  bắt đầu từ trước những căng thẳng gần đây nhất của Mỹ với Triều Tiên, vốn là giọt nước tràn ly. Và chính cái giọt nước ấy đang đe doạ biến thành một cơn sóng phá hủy  đồng USD vĩnh viễn.

Tất nhiên, chính quyền Trump có thể muốn một đồng USD yếu, và nhường danh xưng thiên đường an toàn cho một loại tài sản khác.  Nhưng việc "thoái vị" như vậy là rất nguy hiểm, nếu không muốn nói là thiển cận.

Các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương thường đặt trọn niềm tin vào trái phiếu chính phủ và các tài sản khác của Mỹ, từ đó cho phép chính phủ Mỹ có thể chi tiêu thoải mái để duy trì các cam kết về an ninh của mình trên toàn cầu, và để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và thương mại.

Với cách tiếp cận chính trị như một doanh nhân, Trump dường như nghĩ nhiều hơn vào cái giá phải trả để trở thành đồng tiền dự trữ được ưa chuộng nhất toàn cầu hơn là cái lợi thu về. Nhưng ông không thể hy vọng "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" nếu các dòng vốn bắt đầu tháo chạy khỏi nước Mỹ, và ông sẽ không thể ban hành chương trình nghị sự trong nước mà phớt lờ những động lực tiêu cực ở thị trường nước ngoài.

Nước Mỹ sẽ chẳng còn "vĩ đại" khi không còn giữ vị thế thống trị của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu Trump tạo ra quá nhiều thử thách cho đồng USD, ông ta có thể sẽ phải hối tiếc.

Bá Ước

Nguồn Market Watch