USD nóng lên do vàng?
Hồi cuối năm 2012, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) còn thiếu khoảng 20 tấn vàng để tất toán hợp đồng. Để mua số vàng này, sẽ phải chi khoảng 25.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD nếu tính theo tỷ giá giao dịch liên ngân hàng là 20.820 đồng/USD).
Trước sức ép về thiếu hụt thanh khoản vàng, NHNN lùi thời hạn tất toán trạng thái đến ngày 30/6/2013. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa để các TCTD mua bán vàng, bù đắp trạng thái âm thanh khoản.
Diễn biến từ 32 phiên đấu thầu vừa qua cho thấy mức độ cần vàng của TCTD thực tế là rất lớn. Đến ngày 18/6, lượng vàng mà các ngân hàng mua vào lên tới hơn 31 tấn, vượt so với 20 tấn dự kiến trước đó. Dù vậy, theo dự kiến NHNN vẫn tiếp tục tổ chức nhiều phiên đấu thầu bơm vàng ra thị trường.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, do việc chạy đua tất toán trạng thái vàng nên các ngân hàng phải tìm mọi cách để mua đủ số vàng còn thiếu. Ngoài ra, các ngân hàng có thể mua thêm vàng để tranh thủ "lướt sóng" vàng khi giá tốt.
Câu hỏi đặt ra là, với lượng cầu tăng mạnh như vậy, nguồn vàng dự trữ quốc gia có đủ để đáp ứng không hay NHNN sẽ phải nhập khẩu thêm vàng? Nếu nhập khẩu vàng, ngân hàng cần bao nhiêu ngoại tệ?
Về vấn đề này, TS Trí Hiếu cho rằng do dự trữ quốc gia có hạn nên có khả năng NHNN đã dùng một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Tuy nhiên, NHNN không công bố cụ thể trong tổng số vàng bơm ra qua đấu thầu, có bao nhiêu lượng là từ nguồn dự trữ quốc gia và từ nguồn nhập khẩu.
"Rõ ràng, lượng vàng nhập khẩu không phải là ít. Nhưng không phải hơn 1,5 tỷ USD (ước tính) chi mua vàng là từ nhập khẩu vì NHNN đã có lượng vàng dự trữ sẵn. Cho nên, nếu sử dụng lượng lớn ngoại tệ để nhập vàng về thì sẽ gây áp lực nhất thời lên tỷ giá VND/USD. Sau ngày 30/6, khi đóng xong trạng thái vàng, áp lực này sẽ giảm đi", TS Hiếu nói.
Áp lực từ giới đầu cơ
Mấy tuần qua, thị trường ngoại hối nóng lên khi các NHTM đồng loạt đẩy giá mua - bán USD lên cao. Giá niêm yết tại nhiều ngân hàng đã lên mức 21.030 - 21.035 đồng/USD (mua vào) và chạm trần 21.036 đồng/USD (bán ra).
Thế nhưng, thị trường USD tự do còn cao hơn khi các tiệm vàng, điểm giao dịch ngoại tệ ngầm tăng giá theo từng ngày. Tại đây, giá USD đang được giao dịch mua - bán ở mức trên 21.250 đồng/USD, tức là cao hơn giá niêm yết của ngân hàng tới 214 đồng mỗi USD.
Với mức chênh lệch lớn, thị trường tự do đang là một cực hút mạnh dòng tiền USD, cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng. Sự cạnh tranh này sẽ khiến dòng ngoại hối chảy về ngân hàng bị chậm lại, không như kỳ vọng.
Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ nóng lên, sẽ tạo điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi bằng cách đẩy giá USD tăng cao, gây bất ổn thị trường. Đặc biệt, với những người đầu cơ có khả năng thu gom lượng ngoại tệ rất lớn, họ sẽ găm giữ USD, đẩy giá tăng cao, gây sức ép buộc NHNN phá giá tiền đồng. Sau đó, giới đầu cơ bán ra USD với giá cao hơn để kiếm lời.
Tuy nhiên, "tôi không nhìn thấy hiện tượng đầu cơ quá lớn trong lúc này, dù đầu cơ luôn tồn tại trong một thị trường ngoại hối khó kiểm soát như Việt Nam. Mức giao dịch liên ngân hàng giữ cố định 20.828 đồng/USD (biên độ +/-1%) là một biện pháp để bảo vệ chính sách tỷ giá hối đoái của NHNN. Dù có sức ép lên tỷ giá, nhưng tôi không đồng ý việc phá giá tiền đồng. Vì trong tình cảnh này, phá giá VND sẽ rất nguy hiểm, gây bất ổn thị trường. Tuy nhiên, khi ngân hàng thương mại có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ thì NHNN cần bơm tiền ra hỗ trợ", TS Hiếu nhấn mạnh.
Khi áp lực ngoại tệ bị đẩy lên mức cao, NHNN sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn: giữ dự trữ ngoại tệ ở trạng thái thanh khoản tốt và bơm tiền hỗ trợ thị trường ngoại hối. Lựa chọn phương án nào sẽ là quyết định cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là khi lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, vẫn là một con số khiêm tốn.
Nguồn Thời báo Kinh doanh